T.TÂM : Xẩm tàu điện – đánh thức hoài niệm

Xẩm tàu điện – đánh thức hoài niệm   
Cập nhật lúc:  10:47 02/11/2012    


(VEN) - Nhằm tái hiện nét văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội, trong 3 ngày 26, 27, 28/10/2012 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội quán di sản phối hợp cùng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức chương trình "Xẩm tàu điện - Văn hóa đường phố Hà Thành”. Chương trình đã thu hút đông đảo sự tham dự của nhân dân.
Đánh thức hoài niệm
Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo có từ lâu đời tại các tỉnh miền Bắc, với hai thể loại chính là Xẩm chợ và Xẩm cô đầu. Riêng tại Hà Nội còn có một dòng Xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được đó là "Xẩm tàu điện".
Xẩm tàu điện ra đời và tồn tại gắn liền với sự xuất hiệncho đến khi ngừng hoạt động của tàu điện Hà Nội (1900 - 1992). Trạm tàu điện nằm ở Bờ Hồ, từ đó tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành Hà Nội.
Những chuyến tàu điện đến và đi đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho Xẩm - một loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị” này. Mỗi khi đến trạm tàu điện hay ngồi trên các toa tàu người ta lại được nghe những người nghệ sỹ cất giọng hát trầm bổng tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách đồng hành trên mọi tuyến đường. Suốt gần một thế kỷ tồn tại, Xẩm tàu điện đã trở thành món ăn tinh thần và lưu dấu ấn sâu sắc trong lòng người dân Hà Thành. Tàu điện không còn, như một quy luật, Xẩm cũng vắng bóng lui về dĩ vãng.
Chính vì sự vắng bóng sau 20 năm ấy nên những đêm biểu diễn tại Bảo tàng Phụ nữ lần này đã làm nức lòng hàng triệu lượt thính giả,trong số đó có những người đứng tuổi muốn nhìn lại “kỉ niệm xưa” về "Xẩm tàu điện" và có cả những gương mặt trẻ thơ háo hức tìm tòi.
Tìm đến tương lai
Gọi là "Xẩm tàu điện" nhưng những đêm diễn tại Bảo tàng Phụ nữ lại là sân khấu hộp hiện đại, các nghệ nhân xẩm ngồi hàng ngang dưới ánh đèn, chuông tàu leng keng vọng ra từ các giàn âm thanh điện tử làm nền cho cảnh “miệng hoa cất lời, tay thon kéo nhị” của họ... nhưng vẫn nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người xem.
Nhà nghiên cứu nghệ thuật Nguyễn Đỗ Bảo chia sẻ, không thể đòi hỏi trở lại thập niên 80 với các toa tàu điện nữa. Quan trọng là cốt cách của làn điệu xẩm tàu điện được giữ lại.
Những điệu xẩm quen thuộc như: Vui nhất Hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Lỡ bước sang ngang…xưa vẫn thường vang lên trên các chuyến tàu điện ngược xuôi từ bờ hồ đi Yên Phụ hay về Hà Đông thì nay dù trở lại ở một sân khấu khác vẫn đủ sức níu người nghe. Người ta nghe và mê chúng bởi những ca từ đẹp, trau chuốt, sang trọng phù hợp với lối sống của thị dân. Nó khác hẳn với sự bỗ bã, dân gian, hóm hỉnh như xẩm chợ.
Những điều này có nhiều kỳ vọng mở ra tương lai cho Xẩm tàu điện của thế kỷ 20 có thể tái sinh trong thế kỷ 21, “thậm chí có thể tái sinh với một tư duy “thoáng” về trang phục, lời hát hay chỗ ngồi của nghệ nhân để phù hợp với nhu cầu của khán giả bây giờ”- nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Bảo Đó chia sẻ. Nhưng, trước khi có thể “sống” được trên những chuyến tàu điện của tương lai, Xẩm tàu điện phải được đầu tư để... bảo tồn đã!
Trước khi đến được với sân khấu hộp ở Bảo tàng Phụ nữ, xẩm đã đi một con đường âm thầm và gian nan bất chấp mưa gió vẫn kiên trì mỗi tối thứ bảy ở cổng chợ Đồng Xuân, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu của Trung tâm phát triển âm nhạc truyền thống đến để phục dựng chiếu xẩm, dạy xẩm, gây dựng từng thế hệ hát xẩm. Mục đích mà xẩm chợ Đồng Xuân hay xẩm tàu điện mong muốn tái hiện lại hình thức diễn xướng dân gian đường phố. Bởi vậy, chúng ta những người yêu mến Hà Nội hãy tin, yêu và ủng hộ để Xẩm tàu điện - dòng xẩm rất đặc trưng mà không đâu có được, một nét văn hóa độc đáo của phố cổ Hà Nội tái sinh và phát triển./.
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét