OANH PHƯƠNG : Nguồn gốc và quá trình xuất hiện của xẩm tàu điện

Nguồn gốc và quá trình xuất hiện của xẩm tàu điện 

 


Hà Nội thời xưa phương tiện đi lại chủ yếu là xe tay kéo và tàu điện. Nơi đây đã sản sinh ra một nhánh trong loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc đó là Xẩm tàu điện. Mặc dù Xẩm có nhiều loại nhưng nhưng xẩm tàu điện thì chắc chắn chỉ Hà Nội mới có. Nó gắn liền với nhịp sống của tàu điện một thời. "Xẩm tàu điện" đặc sắc bởi đây chính là điệu xẩm của riêng Hà Nội. Nếu ca trù, hát cô đầu là "đặc trưng" của phố Khâm Thiên, thì hát xẩm là đặc trưng của chợ Đồng Xuân và phố cổ.

Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại gần một thế kỷ. Sự hiện diện của loại hình phương tiện này được bắt đầu vào ngày 13/9/1900, khi Nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử tuyến đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở rộng. Từ ga Trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường toả ra 6 ngả: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng, cũng là 6 cửa ngõ nối nông thôn với nội thành. Và luôn bắt gặp ở đây những nhóm người hát Xẩm dắt díu nhau lên tàu hành nghề.

Xẩm tàu điện ra đời vào đầu thế kỷ XX được cho là một nhánh sau của Xẩm cổ. Khi Hà Nội có tàu điện – một phương tiện giao thông công cộng được tầng lớp thị dân ưa chuộng vì giá vé rẻ và rất tiện dụng nên lúc nào cũng đông khách, thì Xẩm tàu điện cũng song song tồn tại với nó. Dù chỉ tối đa có 3 toa, nhưng trong ngày có nhiều chuyến đi, chuyến về, khách lên, khách xuống và khách đi tàu bao giờ cũng có dăm ba xu lẻ trong túi, đó là cơ hội tốt để các nhóm hát xẩm kiếm ăn. Họ hát cho khách nghe trước khi tàu chuyển bánh, khi chuyến tàu đó chạy, họ lại chuyển sang chuyến khác, hát cho đến khi nhà tàu nghỉ. Nhưng có khi đang hát thì tàu chạy nên cả nhóm không kịp xuống thế là đành theo và xuống bến gần nhất để lên tàu khác quay lại Bờ Hồ.

Xẩm tàu điện khác với xẩm chợ, xẩm lễ hội là luôn phải chuyển tàu, chuyển toa tìm khách mới nên các đoạn hát thường ngắn gọn, luôn thay đổi nội dung nếu không khách sẽ chán vì phải nghe đi, nghe lại, nhất là các khách thường ngày đi tàu. Đã có một thời xẩm tàu điện là những khúc tâm tình gắn với tâm trạng của những khách đi tàu là dân lao động nghèo khổ vất cả tần tảo trên phố phường Hà Nội.

Nhạc sĩ Thao Giang, người dành 20 năm nghiên cứu về hát xẩm cho biết, xẩm có nhiều điệu khác nhau, trong đó xẩm tàu điện là đặc sản của Thủ đô. Sở dĩ, Hà Nội "độc chiếm" xẩm tàu điện là vì xẩm phát triển mạnh hồi thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Những nghệ nhân xẩm thường chọn chỗ đông người để "mua vui cho đời". Những bến tàu điện, trên xe điện là địa điểm lý tưởng cho những người hát xẩm. Nhưng thẩm mỹ của người Hà Nội khác với người thôn quê, thị hiếu của người đi tàu điện cũng khác với thị hiếu người dân chợ. Ðể "hút khách", những người hát đã sáng tạo loại hình xẩm mới, dành riêng cho người Hà Nội, cho những cuộc hát trên tàu điện - xẩm tàu điện. Giống như tính cách của người Hà Nội, xẩm tàu điện khá tao nhã. Những nghệ nhân đã "chế" các bài thơ được ưa chuộng thời bấy giờ thành các bài hát xẩm. Ðặc biệt trong số đó là thơ của Á Nam Trần Tuấn Khải và Nguyễn Bính. Tiêu biểu là các bài như "Trăng sáng vườn chè", "Lỡ bước sang ngang"...


Nhạc sỹ Thao Giang còn cho biết thêm: theo tài liệu chúng tôi sưu tầm được thì “cha đẻ” của xẩm tàu điện là nghệ nhân Tùng Nguyên và nghệ nhân Thân Đức Chinh. Cả hai người này đều không còn. Đặc trưng của xẩm là ở đâu cũng có thể trở thành môi trường diễn xướng như bến sông, bãi chợ, sân đình và cả trong thính phòng. Vì thế, khi Pháp mở tuyến tàu điện đầu tiên, với lượng khách đông đúc, xẩm tàu điện ngay lập tức có được chỗ đứng. Sau này có rất nhiều người cũng hành nghề xẩm tàu điện. Chính cụ Tùng Nguyên, một nghệ nhân nổi tiếng đã tìm cách đưa hát xẩm lên tàu điện với cách mượn thơ Nguyễn Bính để hát. Vì thơ lục bát rất hợp với làn điệu xẩm, mà xẩm tàu điện về cơ bản chỉ có một làn điệu, nhưng các nghệ nhân đã vận dụng thêm các câu hát xẩm khác xen kẽ, như điệu trống quân, xẩm chợ, điệu huê tình, nên xem ra xẩm tàu điện nghe cũng đỡ nhàm.

Thập niên 30 ở bãi An Dương có xóm xẩm. Sở dĩ có tên như vậy bởi xóm có chừng 10 nóc nhà gồm những người hát xẩm và vợ con họ. Ban ngày đi hát, tối lại dắt díu nhau về nấu nướng rồi ngủ ở đây. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là những túp lều lợp tranh, vách thưng bằng lá mía và trong nhà chẳng có đồ đạc gì ngoài vài ba cái niêu đất. Nước nấu ăn lấy từ sông Hồng để lắng phù sa. Cơm nước xong là đi ngủ. Xóm tồn tại đến năm 1954 sau đó thì mỗi người một nơi. Số lượng người hát xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, tại bến tàu điện Bờ Hồ vẫn có khá nhiều người khiếm thị hát xẩm. Đến năm 1992 khi tàu điện dừng hoạt động kể từ đó những người hát xẩm không còn hành nghề nữa, hát xẩm tàu điện thưa dần và biến mất. Và ngày nay, Xẩm tàu điện đang nằm trong danh sách những loại hình nghệ thuật dân gian cần được gìn giữ và phát triển. Mặc dù, tàu điện không còn nữa, nhưng với cố gắng của Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc truyền thống hội nghệ thuật Việt Nam những làn điệu Xẩm tàu điện đang được khôi phục.

Tàu điện đã trở thành địa chỉ văn hóa của người Hà Nội rất lâu bền và rất thị dân. Nó rất lâu bền bởi lẽ trong suốt gần trăm năm, tính từ 13/9/1900, tàu điện chạy chuyến đầu tiên, đến năm 1992 là thời gian tàu điện bị xóa sổ, thì người dân Hà Nội phần lớn chỉ đi tàu điện. Vì trước đó phương tiện giao thông của Hà Nội chỉ có xe tay kéo, xích lô, hoặc xe đạp, nên tàu điện là người bạn đường thân thiết của bao lớp người dân Hà Thành xưa. Chính vì thế nên xẩm tàu điện cũng trở nên món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Nội xưa.

Oanh Phương tổng hợp
 
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét