Âm nhạc truyền thống Việt Nam và người làm rạng danh nước Pháp
Ở tuổi 84, ông vẫn ứng xử linh hoạt và thông minh tại các cuộc hội thảo và phỏng vấn. Năm 2002, Giáo sư Trần Văn Khê là một trong 50 người được Chính phủ Pháp tặng bằng khen Những người làm rạng danh nước Pháp.
Cha con GS TS Trần Văn Khê (phải) và GS Trần Quang Hải
Nhưng trong cuộc trò chuyện, ông không muốn nhắc tới bất cứ giải thưởng nào, bởi ông chưa chịu “tổng kết” cuộc đời sôi nổi và phong phú của mình.
Giáo sư đã khóc khi học trò – nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại ĐH Sorbone (Pháp) về âm nhạc VN. Từ 1958 đến 1982, đó là người đầu tiên, sau Giáo sư, tìm tới âm nhạc dân tộc VN. Còn bây giờ, còn có ai nữa ở châu Âu tiếp tục con đường ấy?
-Tôi nghỉ hưu từ 1988, đến nay vẫn chưa có học trò nào nghiên cứu về âm nhạc truyền thống VN ngoài Nguyễn Thuyết Phong và Trần Quang Hải – Con trai tôi. Nhưng Hải bây giờ chưa thật chú tâm đến âm nhạc VN lắm, tôi hy vọng đến độ tuổi nào đó khi người ta chín chắn hơn, Hải sẽ toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật dân tộc.
Có khoảnh khắc nào đó trong đời ông cảm thấy mệt mỏi với vai trò sứ giả âm nhạc VN không?
Không bao giờ. Khó khăn là cái thử thách bản lĩnh chứ không phải thứ làm mình xuôi tay. Tôi chỉ mong đem tiếng nhạc quê hương rải khắp năm châu cho mọi người biết, từ đó người ta hiểu và yêu dân tộc VN.
Từng ở cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO, ông có kinh nghiệm gì cho những người đề cử di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu?
Mỗi di sản cần có bề dày lịch sử, chiều sâu nghệ thuật và có thể bị mai một. Trung Quốc rất khéo chọn, họ đưa 2 lần đều được UNESCO chấp thuận. Không chọn Kinh kịch mà họ lại đề cử Côn khúc – kịch nghệ tiền thân của Kinh kịch. Côn khúc xuất hiện từ đời nhà Minh, tính nghệ thuật rất cao nhưng dần dà bị quên lãng nên người ta không nhớ Côn khúc, chỉ nhớ Kinh kịch – có từ đời nhà Thanh.
Lập tức người Trung Quốc mở trường đào tạo và mời 2 nghệ nhân cuối cùng của Côn khúc về dạy, rồi quay phim, tổ chức liên hoan về Côn khúc. Cổ cầm – cây đàn từ thời Phục Hy – cũng được Trung Quốc khôi phục tốt, và nó đã nhận danh hiệu kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại cùng đợt với Nhã nhạc Cung đình Huế.
Dư luận trong nước vừa qua cho rằng cách bảo tồn Nhã nhạc Cung đình Huế chưa ổn và không khéo Nhã nhạc sẽ bị thu hồi danh hiệu. Ông thấy thế nào?
Có thể Nhã nhạc đang bị biến thái, vì chỉ còn một vài nghệ nhân nhưng họ lại đưa những ý kiến dè dặt. Truyền thống không phải là bất di bất dịch, nó thay đổi theo thời gian và triều đại. Nhưng nó phải là sự thay đổi từ bên trong chứ không thể là sự tác động từ bên ngoài. Chẳng hạn chúng ta thấy dàn nhạc ít quá, thêm vài cây đàn nguyệt, 3 – 4 cây đàn tranh, rồi mấy cây đàn bầu. Như thế là sai hết, vì dàn Nhã nhạc xưa kia chỉ có 6 người thôi.
Quan trọng là màu âm và sự gợi mở của âm thanh chứ không phải số lượng nhạc cụ. Hiện nay, tôi thấy các nhạc công trẻ ở Huế đánh chính xác nhưng chưa có hồn. Mà cũng không thể trách điều này…Với Nhã nhạc, phải có thái độ tôn trọng cái cổ, cái truyền thống. Tôi luôn đảm bảo 3 nguyên tắc khi cải tiến nhạc cụ: hình dáng đẹp hơn, khả năng diễn tấu tốt hơn và phải nói được tiếng nói VN. Chúng ta đừng biến cái của mình thành cái phù hợp để nói tiếng nói Tây phương. Tinh thần vọng ngoại đó, tinh thần lấp tự ti đó nên dẹp bỏ.
Giáo sư sẽ về nước định cư tại TPHCM và xây dựng Bảo tàng Trần Văn Khê?
Đấy là ý định từ lâu của tôi nhưng thực hiện hơi khó. Sở VHTT TPHCM đang tìm một ngôi nhà để trưng bày tất cả những hiện vật gắn liền đời sống cá nhân và nghề nghiệp của tôi. Thực ra các bạn ấy quá thương tôi nên nói thế chứ nó không phải là bảo tàng đâu. Trong di chúc đã viết, tôi nói cụ thể mọi kỷ vật, huân huy chương, giải thưởng, công trình nghiên cứu đều thuộc về dân tộc VN mà ai cũng có thể tới nhìn, nghe và tham quan.
Khi tôi vĩnh viễn ra đi, số hiện vật ấy sẽ thuộc về Sở VHTT TPHCM và có thể thành một thư viện hay phòng đọc sách phục vụ các bạn. Mong mỏi của tôi có lẽ sắp thành hiện thực. Tôi đã mang tất cả hiện vật về nước, nhưng chưa có nhà, tạm thời đặt tại Bảo tàng TPHCM.
Xin cám ơn Giáo sư.
Trần Thanh – Năm 2005 (Tiền Phong)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét