NGUYỄN ĐẮC XUÂN : ÂM NHẠC PHẠM DUY THỨC DẬY HỒN VIỆT


Âm nhạc Phạm Duy thức dậy hồn Việt


Phát biểu của Nguyễn Đắc Xuân – đại diện Nhóm Bạn Cố Đô Huế phát biểu trong đêm giao lưu âm nhạc “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” tại Giảng đường ĐHSP Huế, 16-9-2012.
Kính thưa Quý lãnh đạo Thừa Thiên Huế,
Kính thưa nhạc sĩ Phạm Duy,
Quý lãnh đạo Đại học Huế, Đại học Sư phạm, Đai học Phú Xuân, lãnh đạo các ban ngành thuộc tỉn Thừa Thiên Huế, lãnh đạo các Trường THPT Quc Học, Hai Bà Trưng, Gia Hội, Nguyễn Huệ;
Kính thưa các anh chị em yêu âm nhạc của Thành phố Huế cùng các bạn học sinh sinh viên các Đại học, các Trung học ở Huế quý mến,
Từ đầu năm 2012 đến nay, quý vị đã nghe đến tên gọi Nhóm Những Người Bạn Cố Đô Huế qua một số hoạt động văn hóa giáo dục như Giới thiệu cuốn sách Nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa ở XQ Cổ Độ, hỗ trợ 6 em Sinh viên học sinh lập quỹ học bổng “Tiếng nói của bạn” ở trường THCS Quảng Vinh – huyện Quảng Điền; phối hợp và tài trợ cho Liên hiệp các Hội VHNT TTH và Học viện Am nhạc Huế mời NS Phạm Duy và .GSTS Trần Văn Khê ra Huế giới thiệu Trường ca Hàn Mặc Tử của Phạm Duy nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử; kết nối, tài trợ và phối hợp với VTV1 Đài Truyền hình VN và trường Quốc Học thực hiện “Chương trình đối thoại chính sách” chủ đề “Văn hóa học đường” tại sân trường Quốc Hoc, với sự tham gia giao lưu-đối thoại của GS.TS Trần Văn Khê, TS Thái Kim Lan và nhà sử học Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc; hỗ trợ tài chính ban đầu cho Đoàn trường Đại học Huế chuẩn bị cho ra đời Gameshow dành cho Sinh viên Huế tìm hiểu về lịch sử văn hóa Huế.v.v.


GS TS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phạm Duy và các đại biểu trước buổi đối thoại “Văn hóa học đường” tại trường Quốc học Huế
Từ trái qua: GS TS Trần Văn Khê, TS Thái Kim Lan, BTV Quang Minh và GS sử học Dương Trung Quốc tại buổi Đối thoại và chính sách học đường tại trường QH Huế
Nhạc sĩ Phạm Duy tại buổi đối thoại
Sở dĩ hôm nay tôi được đại diện cho Đoàn trường Đại học Huế, Công-ty Văn hóa Phương Nam và Nhóm Những Người Bạn Cố Đô Huế có mấy lời cám ơn nầy là vì gần nửa thế kỷ trước tôi là Sinh viên Văn khoa và Sinh viên Đại học Sư phạm Đại học Huế. Chính trên sân trường nầy tôi đã được nghe nhạc si Phạm Duy giới thiệu Trường ca Con Đường Cái Quan, trường ca Mẹ Việt Nam, nghe giới thiệu Dân nhạc Việt Nam.v.v.tôi đã được nhạc sĩ hun đúc cho cái hồn dân tộc và khát vọng thống nhất đất nước. Cái hồn đó, cái khát vọng đó đã thúc đẩy tôi làm thơ tranh đấu cho hòa bình thống nhất dân tộc và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc các bài Để lại cho em (Tâm ca số 5), Nhân danh, Chuyện hai người lính, các bài hát ấy dã được sinh viên Huế hát vang trên sân trường nầy. Rồi cũng từ cái hồn đó, cái khát vọng đó dẫn tôi vào các cuộc tranh đấu yêu nước ở các đô thị miền Nam và thoát ly đi theo kháng chiến trên núi rừng Trị  Thiên để đi đến cùng lý tưởng giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước vào 30 tháng tư năm 1975. Từ ấy, bài Tình Ca của Phạm Duy viết từ năm 1953 luôn reo vui hạnh phúc trong lòng tôi với những câu:
Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành  
Nhưng không ngờ hôm nay, sau gần 40 năm, niềm hạnh phúc của đất nước “bên bờ biển xanh” “vun sóng ra Thái Bình” đột nhiên bị đe dọa xâm lược. Nhiều hải đảo của Việt Nam đã in dấu giày của bọn giặc ngoại từ phương Bắc. Sự thể ấy thức dậy cái hồn nước của cả dân tộc. Trong không khí ấy, Nhóm Bạn Cố đô Huế chúng tôi và Phương Nam film hỗ trợ và phối hợp với Đoàn trường Đại học Huế mời danh ca Đức Tuấn ra Huế cùng Sinh viên Huế giao lưu âm nhạc Việt. Đức Tuấn dù được sinh ra và trưởng thành sau ngày Việt Nam độc lập thống nhất – nhưng anh may mắn được tiếp nhận cái hồn Việt trong âm nhạc của Phạm Duy trực tiếp với nhạc sĩ Phạm Duy. Và vui sao, cuộc giao lưu âm nhạc hôm nay lại có được sự hiện diện của chính nhạc sĩ 92 tuổi Phạm Duy – một đại thụ của nền tân nhạc Việt Nam.
Nói đến cái hồn Việt trong âm nhạc của Phạm Duy là nói đến tác giả với trên dưới 70 năm sáng tác, có trên một ngàn ca khúc, từ phổ thơ, đặt lời mới cho dân ca, đặt lời Việt cho ca khúc ngoại quốc khác nữa, với đủ các thể loại … và cho đến nay ông vẫn còn làm việc. Sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Phạm Duy là bài Cô hái mơ ra đời cách đây đã hơn 70 năm, ông lại vừa phổ xong 10 bài thơ trong Dị khúc của Bích Khê – một nhà thơ quê Quảng Ngãi cùng thời với nhà thơ Hàn Mặc Tử, trong đó có bài  “Huế đa tình” mà các bạn vừa nghe ca sĩ Đức Tuấn hát. Với Phạm Duy, chúng ta có vô số chủ đề để nói. Đối với tôi vấn đề nổi bật nhất là ông đã có một quá trình gắn bó với miền Trung, với Huế. Ông đã đến Huế nhiều lần, đến Huế khi ông còn là một ca sĩ trong Gánh hát Đức Huy Charlot Miều (1944), ông đã vào vùng kháng chiến Bình Trị Thiên Huế (1948), ông đã thân quen với nhiều nhạc sĩ, ca nhân Huế, đã có dịp nghiên cứu âm nhạc truyền thống Huế và miền Trung, ông đã “biết ái tình ở dòng sông Hương”, ông đã vận dụng các làn điệu dân ca Bình Thị Thiên vào nhiều tác phẩm viết về Huế, về miền Trung. Tôi chưa có dịp sưu tầm hết để có một tổng kết, nhưng do nhiều nguồn đưa đến, trong tay tôi đã có trên dưới ba mươi bài về Huế, về miền Trung, mà bài mới nhất ông vừa phổ thơ Bích Khê “Huế đa tình” mà quý vị vừa thưởng thức. Nhắc đến nhạc sĩ Phạm Duy, người Huế, người miền Trung không thể không nhắc đến các nhạc phẩm thời danh Quê nghèo (tức Bao giờ anh lấy được đồn Tây), Bà mẹ Gio Linh, Về miền Trung, Nước non ngàn dặm ra đi, nhiều đoản khúc khác trong Trường ca Con đường cái quan, và Trường ca Mẹ Việt Nam.v.v. Phạm Duy với chừng ấy tác phẩm về Huế và miền Trung, ông xứng đáng là một tác giả lớn của Huế, của mền Trung chúng ta.
Tổ chức đêm ca nhạc và giao lưu “Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi” nầy  để Sinh viên Huế ngày nay có dịp biết đến một phần di sản âm nhạc Việt đã từng thịnh hành trong đời sống âm nhạc của Sinh viên Huế trước đây. Đó là một nền âm nhạc cổ vũ cho tình yêu tiếng nói, yêu văn hóa lịch sử dân tộc, yêu đất nước và yêu dân (như Phạm Duy viết trong bài Tình ca mà quý vị và các bạn sắp nghe đây. Tôi yêu tiếng nước tôi, Tôi yêu người nước tôi và tôi yêu đất nước tôi). Qua đó Sinh viên Huế có thể so sánh những giá trị nghệ thuật của âm nhạc đã từng có với thế giới nhạc trẻ chóng qua và chóng quên hiện nay, hòng xây dựng cho mình một nền âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại. Nền âm nhạc đó sẽ góp phần giữ nước và chống ngoại xâm tốt nhất. Nếu Sinh viên Huế thực hiện được niềm tin nầy, Sinh viên Huế sẽ là những người đi đầu Phong trào về nguồn tân nhạc Việt giống như các thế hệ Sinh viên huế đi trước đã đi đầu trong Phong trào đấu tranh đô thị trước năm 1975 ở miền Nam Việt Nam.
Nếu được các Đại học ở Huế ủng hộ, học sinh sinh viên Huế hưởng ứng tích cực, chúng tôi sẽ vận động tài trợ tổ chức các chương trình giao lưu tiếp – không những trong lĩnh vực âm nhạc như âm nhạc mà còn có các buổi giao lưu với các chuyên gia nổi tiếng quốc gia và quốc tế về các vấn đề văn hóa, lịch sử, về Phong trào dấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam, về kinh tế đối ngoại, ngoại giao hiện nay.v.v. Nhóm Những người bạn của Cô đô Huế mong muốn Sinh viên của Đại học Huế không những là những trí thức có tinh thần dân tộc cao đồng thời là một lớp trẻ cập nhật tri thức hiện đại, giao lưu rộng rãi, xứng đáng với Huế cố đô, với Huế thành phố có hai di sản văn hóa của nhân loại.
Nhạc sĩ Phạm Duy và GS TS Trần Văn Khê tại đêm nhạc “Trường ca Hàn Mạc Tử” tại Huế vào trung tuần tháng 5 – 2012
Kính thưa quý vị và các bạn Sinh viên,
Để có được buổi giao lưu nầy, chúng tôi xin cám ơn quý lãnh đạo Đại học Huế và Đại học Sư phạm Huế,
Cám ơn thầy giáo Phan Hoàng Hải – Bí thư Đoàn Đại học Huế
Cám ơn thầy giáo Nguyễn Anh Dân – Phó Bí thư Đoàn Đại học Sư Phạm Huế
Cám ơn Công-ty Văn hóa Phương Nam,
Cám ơn Nhóm những người bạn Cố đô Huế ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, và Huế đang có mặt ở đây.
Xin cám ơn và cáo lỗi với nhiều bạn yêu nhạc Phạm Duy, vì thính phòng không đủ chỗ phải thưởng thức âm nhạc và giao lưu qua màn hình đặt bên ngoài. Khắc phục khuyết điểm nầy, chúng tôi xin hứa trong những chương trình sau sẽ tỏ chức ở Nhà thi đấu của Tỉnh để có thể đón tiếp được nhiều người hơn;
Tôi xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đông Thức, ca sĩ Đức Tuấn và các bạn sinh viên trong Đội văn nghệ của Đại học Sư Phạm Huế, Học viện Âm nhạc Huế đã giới thiệu, hát, giao lưu tạo nên sự thành công xuát săc của  chương trình hôm nay. Để tỏ lòng biết ơn chúng tôi xin mời ca sĩ Đức Tuấn nhận bó hoa của chúng tôi.
Và, tôi rất hân hạnh được thay mặt cho tất cả những người yêu nhạc dân tộc trong thính phòng nầy, ở Huế, ở trong và ngoài nước xin đặc biệt cám ơn sự có mặt của nhạc sĩ 92 tuổi Phạm Duy – cây đại thụ của nền tân nhạc của dân tộc Việt Nam.[Sau chuyến ra Huế cách đây gần 4 tháng, khi trở về nhà nhạc sĩ Phạm Duy đã bị đột quỵ nhỏ: bị méo miệng, sếch cả mắt.]
Vì vậy hôm nay tôi và tất cả chúng ta đều mong nhạc sĩ Phạm Duy sức khoẻ, tiếp tục yêu đời, yêu người, có thêm nhiều tác phẩm mới nữa, để Huế, miền Trung còn có nhiều dịp được đón nhạc sĩ trong các Chương trình hát về miền Trung, hát Đạo Ca, hát Thiền Ca.v.v. như mọi người đang mong đợi. Xin thay mặt cho những người yêu âm nhạc, tôi và ca sĩ Đức Tuấn rất hân hạnh được kính tặng nhạc sĩ một bó hoa.
Xin kính chào quý vị.
[…]
Huế, Ngày 16 tháng 9 năm 2012
Nguyễn Đắc Xuân (gactholoc.net)
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét