VI THÙY LINH : Những chân dung Việt đáng nhớ trên đất Pháp

Những chân dung Việt đáng nhớ trên đất Pháp

Không khí đón Tết Việt ở Pháp và chân dung những người Việt Nam tiêu biểu đang sống trên xứ sở này được tái hiện qua con mắt của nhà thơ Vi Thùy Linh.

Cuối 2013 sang 2014, là năm chéo giữa Pháp và Việt Nam lần lượt tổ chức Năm văn hoá tại hai nước. Trong luồng nhớ của tôi về xứ sở lục giác, có những cái tên Việt Nam đáng quý, đáng tự hào. Những ngày này tại Pháp, kiều bào đang nhộn nhịp đón Tết cổ truyền.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến hội ngộ danh ca Lệ Quyên

Nguyễn Vĩnh Tiến (SN 1974) hiện đang tu nghiệp (2011-2015) tiến sĩ kiến trúc tại Toulouse - thành phố miền Nam, lớn thứ tư của Pháp. Tôi đã diễn cùng anh đêm thơ nhạc LiTi thi ca tối 5/11/2011 tại Maison du Vietnam, ở Toulouse, nơi được gọi là thành phố hồng (La ville rose) bởi đa số các công trình xây bằng gạch đỏ. Tôi đã giới thiệu Tiến với PGS. TS Nguyễn Đức Khương (Cựu Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Pháp), hiện sinh hoạt trong chi bộ Đảng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Chúng tôi đã ăn bữa tối tại nhà Nguyễn Đức Khương ở quận 16 Paris, một cuộc solo tưng bừng của Tiến cùng đàn guitare.

Chương trình đón Tết cổ truyền năm nay của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp được tổ chức quy mô hơn mọi năm vì năm nay kỷ niệm 40 năm ngày ký kết Hiệp định Paris. Bởi vậy, chương trình Tết tối 8/2/2013 (tức 28 Tết) được coi là ngày hội văn hoá. Khác thường lệ vẫn tổ chức tại hội trường Đại sứ quán, Gala Tết 2013 diễn ra tại khán phòng L’Espace des Blancs Manteaux, 48 phố Vieille du Temple, với sự ủng hộ của ông Christophe Girard - quận trưởng quận 4 - cho mượn khán phòng. Đêm Gala đón tết được khai mạc lúc 18h30 giờ Paris, tức 23h30 giờ Việt Nam. Ban tổ chức làm sự kiện theo giờ Việt Nam để bà con kiều bào và bạn bè Pháp đón Tết Việt theo đúng giờ bên nhà. Sự kiện này được sự bảo trợ của ngài Dương Chí Dũng - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN - và ngài Bertrand Delanoe - Thị trưởng Paris.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến.


Với sự giới thiệu của PGS.TS Nguyễn Đức Khương, Đại sứ quán Việt Nam đã mời nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến biểu diễn dịp này. Anh sẽ hát các sáng tác của mình: Bà tôi, Giọt sương bay lên, Sông ơi đừng chảy và tự đệm guitare. Đã diễn nhiều chương trình cho sinh viên và kiều bào ở Toulouse, tại Warsawa tháng 6/2012, đây là lần đầu Nguyễn Vĩnh Tiến biểu diễn tại Paris trong một sự kiện đáng giá. Một giọng hát rất được ái mộ trong cộng đồng người Việt tại Pháp là danh ca Lệ Quyên - nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam. Lệ Quyên có thể hát nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Chị sẽ thể hiện các ca khúc: Mùa Xuân gọi (Trần Tiến), Mơ về nơi xa lắm (Phú Quang) và Tombé la neige (Tuyết rơi, bài hát nổi tiếng của Pháp). Sống tại Pháp 24 năm nay, Lệ Quyên mang 2 quốc tịch Pháp và Việt Nam. Ca sĩ Lệ Quyên liên tục tham gia các chương trình của Việt Nam tại UNESCO, Trung tâm Văn hoá và nhất là Tết Nguyên đán năm nào cũng hát phục vụ bà con tại Đại sứ quán VN. Trong giới trí thức, nghệ sĩ kiều bào, Lệ Quyên còn nổi tiếng là một phụ nữ Hà Nội rất trân trọng giá trị truyền thống, nề nếp, nấu món Việt cực ngon. Con gái út của NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982, ông tổ cải lương miền Bắc, giải thưởng Hồ Chí Minh) giữ được nhan sắc, đức hạnh đẹp lâu bền. Lệ Quyên vừa trở về hát 3 đêm thành công ở HN tháng 12/2012 và Hè 2013 sẽ trở lại.

Danh ca Lệ Quyên chụp ảnh cùng nhạc sĩ Đức Huy trong lần trở về hát tại Hà Nội.


Tối 9/2 (29 Tết), đêm hội đón giao thừa được tổ chức tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp (CCV), 19 phố Albert, quận 13, Paris. Sự kiện này là cuộc kết hợp của triển lãm các hình ảnh Việt Nam, trò chơi cờ tướng, chiếu phim tài liệu về Tết cổ truyền và trực tiếp VTV4 để kiều bào và các du học sinh Việt Nam cùng đón Tết theo đúng nhịp thời gian bên nhà. Chương trình bắt đầu từ 15 giờ chiều (tức 20h Việt Nam) bằng chiêu đãi trà, café từ Việt Nam mang qua. Phần triển lãm do hoạ sĩ Vương Patcam (người gốc dân tộc Thái Tây Bắc) phụ trách. Phần âm nhạc do nghệ sĩ Alain Vũ Hoàng Mi đảm nhiệm. Danh ca Lệ Quyên sẽ hát nhạc phẩm: Mùa Xuân nho nhỏ (thơ: Thanh Hải, nhạc: Trần Hoàn), Biển hát chiều nay (Hồng Đăng), Điều giản dị (Phú Quang), Tiếng sóng (Dương Thụ). Lần đầu biểu diễn tại CCV, Nguyễn Vĩnh Tiến hát ca khúc Đàn chim sẻ nâu, Tỉnh lẻ và Giấc mơ trưa (lời: Nguyễn Vĩnh Tiến, nhạc: Giáng Son).

Cặp uyên ương Trần Quang Hải - Bạch Yến

Gọi họ là cặp uyên ương không quá lời vì đôi vợ chồng tuổi ngoài thất thập vẫn trẻ trung, rong ruổi khắp nơi biểu diễn, giảng dạy âm nhạc truyền thống Việt. GS.TS Trần Quang Hải sinh năm 1944 tại Thủ Đức, Sài Gòn, con trai GS. TS Trần Văn Khê (nhà dân tộc nhạc học, cựu GS ĐH Sorbonne, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Âm nhạc UNESCO) sang Paris học từ 1963. Không chỉ diễn, ông còn viết nhạc cho đàn tranh, độc huyền, điện thanh và là người duy nhất biết sử dụng nhiều đàn: violon, guitare, mandoline, flute, banjo lại đem đàn cò, sinh tiền, đàn môi Việt Nam (VN) diễn khắp thế giới. Đúng 30 năm trước, ông đỗ Tiến sĩ Dân tộc nhạc học ở Paris và đến nay đã dự 120 đại hội âm nhạc quốc tế. Ông nghiên cứu, viết sách, giảng dạy và trình diễn khắp 5 châu.
Vợ chồng GS Trần Quang Hải - danh ca Bạch Yến quảng bá văn hóa dân tộc ở nước ngoài.


Vợ chồng GS Trần Quang Hải - danh ca Bạch Yến sống tại ngoại ô Paris. Ông bà đã dự đêm thơ nhạc Tình tự Hà Nội của tôi, tối 29/10/2011 tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam tại Pháp (CCV), 19 phố Albert quận 13. CCV liên tục tổ chức các đêm diễn sự kiện VHNT phục vụ kiều bào, du học sinh và công chúng Paris, miễn phí. Lãnh đạo TT này là đạo diễn Lê Hồng Chương, người từ du học tại Pháp (từng là giám đốc Hãng phim tài liệu và KHTƯ). Trần Quang Hải đã diễn tại CCV cùng bạn đời - danh ca Bạch Yến. Bà Quách Bạch Yến, sinh năm 1942 tại Sóc Trăng, bố là người Triều Châu (Trung Quốc). Bạch Yến hát hay từ nhỏ, 19 tuổi sang Pháp học hát và được mời sang hát cho Ed Sullivan - chương trình ca nhạc nổi tiếng nhất Mỹ lúc ấy, hát trong phim “Mũ nồi xanh”Hollywood rồi diễn khắp Hoa Kỳ và các nước châu Mỹ. Năm 1978, Bạch Yến tới Paris, không ngờ định cư hẳn ở đây, khi nhận lời kết hôn với Trần Quang Hải. Từ ca sĩ hát nhạc Tây nổi tiếng, bà học, rèn luyện để hát dân ca Việt Nam. Vợ chồng nghệ sĩ Trần Quang Hải - Hải Yến luôn nhiệt tình quảng bá nhạc dân tộc không mệt mỏi. Ông ước mơ đủ sức khoẻ để đạt con số 200 đại nhạc hội quốc tế và 5.000 đêm diễn trong đời.

Trần Quang Hải và Bạch Yến không tham dự sự kiện đón Tết với kiều bào tại Paris vì đã có hợp đồng trình diễn tại nước Ý từ trước, phục vụ khán giả nhí. Họ sẽ diễn tại Roma ngày 9/2 và tại Venise ngày 11/2. Kế hoạch tiếp theo là họ sẽ diễn tại Đại học Leiden (Hà Lan) ngày 13/3.

Giọng ca độc đáo Alain Vũ Hoàng My

Ca sĩ Alain Vũ Hoàng My có bố mẹ từng sống ở Tân Đảo, thuộc Pháp, anh lớn lên tại Thái Nguyên. Sang Pháp 34 năm, Alain Vũ vẫn dành tiền túi trao học bổng cho học sinh giỏi quê nhà. Anh có nhiều tài: hát, múa, đạo diễn đã từng tổ chức cuộc thi hoa hậu của cộng đồng người Việt tại châu Âu. Đặc biệt, sở hữu chất giọng “phù thuỷ” - Sopraniste này có thể hát 2 giọng: nữ cao và nam trung, nhất là bài Trước ngày hội bắn (Trịnh Quý), mình anh hát đối, diễn ở nước nào cũng được bis. Tối 1/12/2012, khi tôi đang thực hiện đêm diễn Bay cùng ViLi tại Nhà hát Lớn Hà Nội với ý tưởng đưa khán giả bay tới kinh thành ánh sáng thì ở Paris, tại CCV, Alain Vũ diễn đêm nhạc thính phòng Đất nước tình mẹ với phần đệm piano của Benoit Cimbes, hát các tác phẩm nổi tiếng của các tác giả Việt Nam và quốc tế: Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Tài Tuệ, Hoàng Việt, Đỗ Nhuận, Nhật Lai, Phó Đức Phương, Saint-Saens, Gluck, A. Mozart. Số tiền quyên góp sau buổi diễn được chuyển về chương trình “Cuộc sống vẫn tươi đẹp” ở VN. Là đạo diễn chương trình giao thừa tối 9/2 tại Trung tâm Văn hoá Việt Nam ở Paris, Alain Vũ hát Tình ca (Hoàng Việt) và trích đoạn Printemps qui commence (Phiên chợ ngày Xuân) từ opéra Samson et Dallila của Camille Saint-Saens. Đặc biệt, Alain còn là đạo diễn phần âm nhạc của đêm Gala đón Tết cổ truyền Việt Nam 2013 tại Toà Thị chính Paris. Anh sẽ trình diễn “bài tủ” đã từng mê hoặc hàng vạn khán giả - Voi Chesapété, trích từ opéra Đám cưới Figaro của A.W.Mozart. Nghệ sĩ Alain Vũ dự kiến tháng 5/2013 về Việt Nam và tiếp tục các chương trình nghệ thuật và hoạt động từ thiện tại Hà Nội và Thái Nguyên quê nhà.

Nguyễn Thiện Đạo tình tự dân tộc bằng âm nhạc

Trong bữa tối đầu tháng 12/2012, tại quán Pháp gần trụ sở Hội Người Việt Nam tại Pháp (UGVF), nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo chia sẻ với tôi về opéra Từ Thức gặp Tiên mà ông ấp ủ. Ông mời tôi viết lời cho vở nhạc kịch này. Hiện là uỷ viên Ban chấp hành UGVF, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo luôn hướng về quê nhà bằng tâm thức và những hoạt động văn hoá mà ông có thể tham gia. Tháng 5/2012, Nguyễn Thiện Đạo đã cho ra mắt Định mệnh bất chợt, đưa Truyện Kiều lên sân khấu Nhà hát Lớn, dù chưa có kinh phí để thực hiện một vở nhạc kịch theo ý đồ sáng tạo. Yêu văn chương dân tộc, Nguyễn Thiện Đạo thường vận dụng thơ văn Việt vào ý tưởng âm nhạc. Sống tại số 8 Tràng Tiền, Hà Nội, năm 1953, 13 tuổi, Nguyễn Thiện Đạo sang Paris du học và ở đó 60. Nhà ông ở quận 6, quận có nhiều địa danh văn hoá, hội tụ nhiều nhân vật tiếng tăm của Pháp và thế giới.

Nhà chỉ hai vợ chồng, nên ông ít khi để bà Hiền ăn Tết Nguyên đán tại Pháp. Nhạc sĩ thường về VN vào cuối Xuân, bay một mình. Ông đã được cấp hộ chiếu VN từ 2005. Nguyễn Thiện Đạo có ngôi nhà 3 tầng xinh xắn ở phố nhỏ Mai Anh Tuấn, trước nhà là rặng cây phượng vỹ và hồ Đống Đa. Ông rất sung sướng về sự “lãi” không gian sống. “Đời tôi gắn bó với hồ, lúc nhỏ gần Hoàn Kiếm, khi già lại được trở về TP quê hương, có nhà bên hồ”. Năm nay 73 tuổi, Nguyễn Thiện Đạo vẫn có nhiều dự định âm nhạc. Sau nhạc phim Chuyện của Pao, ông muốn có đóng góp tiếp theo cho điện ảnh Việt Nam.

NSƯT Trần Lê Vi và “gia đình Việt Nam” tại Pháp

Ở Pháp, nếu 3 con của Lê Vi đi cùng cha, không ai biết chúng có mẹ Việt Nam nếu không có người giới thiệu. Bởi cả 3 đứa trẻ đều “đặc Tây”, nhưng nói tiếng Việt cực thạo.

Không thường xuyên gặp đồng hương bởi cách Paris (nơi tập trung nhiều người Việt nhất tại Pháp) 250km, nghệ sĩ múa Lê Vi dồn nỗi nhớ vào công việc, đời sống hàng ngày. Chồng chị - nhà nghiên cứu hội hoạ Cyril Lapointe đã chuyển sang kinh doanh, mở công ty tại nhà. Chị nội trợ, chăm sóc chồng con. Cả nhà nói với nhau bằng tiếng Việt, bé gái út Lucie Khanh Vân Vi 5 tuổi có thể tranh cãi với hai anh Rafael Lê Vương (cao 1m90 bằng bố) và Gabriel Trần Văn bằng tiếng Việt đầy đủ dấu thanh điệu. NSƯT Lê Vi hiện ở Amboise, TP nên thơ bên sông Loire. Gần nhà chị là nhà thờ Amboise, nơi lưu thi hài danh hoạ Léonard de Vinci. Anh chị đã đưa tôi đến Tours, TP cách đó 30km. Lê Vi quý từng cọng rau, gói bột canh, ô mai từ bên nhà gửi sang. Sau 6 năm cách xa, gia đình Lê Vi về Hà Nội hè 2012. Trước đó, mẹ Lê Mai và chị gái Lê Khanh có sang chơi với chị vài lần.

Cũng như Lệ Quyên, Lê Vi hướng vào cuộc sống gia đình. Chị dùng Skype máy tính kết nối hàng ngày với bên nhà. Tết đến, quý quả gấc tươi, măng khô mẹ gửi sang như “báu vật”. Lê Vi và Lệ Quyên đều tự gói bánh chưng và nấu cỗ cổ truyền, hướng các con vào nếp Á Đông qua tâm linh nguồn cội. Họ làm tôi nhớ đến bà nội và mẹ tôi thời bao cấp thiếu thốn, phải chắt chiu dành dụm. Họ tích luỹ thực phẩm, đồ ăn VN để bữa cơm thỉnh thoảng lại có món Việt và nhất là phải làm được mâm cỗ Tết đúng hương vị truyền thống.

“Foyer mon Vietnam” tại Paris

Mong trở về VN sau 34 năm xa cách là tâm trạng thường trực của nhà thơ Võ Văn Thận, một đầu bếp tên tuổi của cộng đồng người Việt xứ Gaulois. Đúng như tên của nhà hàng, nghĩa là “Tổ ấm Việt Nam của tôi”, những tên tuổi Phan Huy Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Dương Trung Quốc, dịch giả Dương Tường, nhà văn Đà Linh, nhà thơ Thanh Thảo, Hoàng Hưng đã từng dùng bữa, thuyết trình tại đây. Điều thú vị: thực khách thường xuyên của quán là người Pháp. Truyền phổ văn hoá VN qua đường ẩm thực, tổ chức các đêm thơ, nhạc, triển lãm tranh, bữa cơm từ thiện để gửi tiền về giúp trẻ em nghèo VN là hoạt động mà thi sĩ - đầu bếp Võ Văn Thận dành nhiều tâm sức.

Một năm nay, vợ chồng ông Võ Văn Thận cùng 3 con gái chuyển sang ở quán mới Foyer mon Vietnam, 24 phố Montagne Sainte- Geneviève, cùng quận 5.

TS Văn học Trần Thu Dung và khát vọng giữ gìn tiếng Việt

Tâm linh là một hướng tìm hiểu mà TS Trần Thu Dung đang chú trọng. Chị là phụ nữ Việt đầu tiên nhận bằng Tiến sĩ Văn học Pháp ở Tây Âu. Từng du học Romania thời trẻ, Trần Thu Dung sau nhiều năm làm giảng viên đại học, gần đây tập trung viết sách. Chị dạy tiếng Việt, viết sách về ngôn ngữ Việt, cùng TS Hoàng Ngọc Hiến nghiên cứu văn hoá. Chị đã xuất bản sách về V. Hugo. Hè 2012, TS Trần Thu Dung về Hà Nội và xuất bản tập thơ Thiền cùng minh hoạ của Công Quốc Hà. Năm 2014, chị sẽ trở lại và xuất bản tiếp sách Phê bình văn học đương đại Việt Nam.

Vĩ thanh

Paris - Hà Nội, giữa hai luồng nhớ, là chữ S Việt Nam gắn kết nhiều tài năng qua khát vọng sáng tạo và cống hiến. Những người yêu và biết yêu, vẫn đến được với tình yêu, dù xa xôi cách trở, trong nhịp sống, ý nghĩ giản dị mà thiêng liêng. Chữ V Việt Nam cũng là Victorie, Victory chiến thắng, là cánh bay mở ra cho những người con xứ sở luôn hướng về nguồn cội, dù ở bất cứ nơi nào. Người ta sẽ không là gì nếu không có quê hương, không có nơi để trở về. Nhớ, hoài niệm để khẳng định Việt Nam bằng danh dự tên mỗi người mang dòng máu Việt qua công việc, cách sống ở bất cứ nơi nào, chính là khát vọng của những người Việt mà tôi quý mến, trân trọng nơi đất khách. Nghệ sĩ, trí thức Việt ở Pháp yêu và nhớ VN “trở về” bằng công việc. Nhà văn, nhà triết học Pháp Denis Diderot (1713-1784) có câu nói bất hủ: “Chỉ có những khát vọng và những khát vọng lớn lao mới có thể nâng tâm hồn lên tầm vĩ đại”. Giữa hai luồng nhớ hành nhiệt lưu trong cơ thể, có khát vọng Việt Nam.

8/2/2013
Vi Thùy Linh
Ảnh: Hứa Đắc Khoa
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/tac-pham/nhung-chan-dung-viet-dang-nho-tren-dat-phap-2424220.html



Tin liên quan

Vi Thùy Linh
Xem thêm
Tình xanh(10/02)
Thời của đời yêu (4)(13/01)
Thời của đời yêu (3)(09/01)
Thời của đời yêu (2)(05/01)
Thời của đời yêu (1)(03/01)
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét