VŨ ĐỨC VƯỢNG: PHẠM DUY TRONG HÀNH TRANG CUỘC ĐỜI TÔI

Phạm Duy trong hành trang cuộc đời tôi

Năm 1968, tôi sang Mỹ du học, thứ quý giá nhất mang theo trong hành trang là cuộn băng cassette thu bài hát của Phạm Duy.
Nhạc sĩ của một thế kỷ đầy biến động
Nhạc sĩ Phạm Duy vừa về cõi thiên thu hôm chủ nhật vừa rồi, để lại một sự nghiệp âm nhạc lớn mà tôi nghĩ sẽ sống mãi mãi trong lòng người Việt.
Cuộc đời và sáng tác của ông trải gần hết thế kỷ 20 - quãng thời gian chứa đựng nhiều biến động nhất trong lịch sử người Việt. Chưa có thời đại nào mà chỉ trong khoảng 100 năm dân tộc ta thay đổi toàn diện như vậy.
Về chính trị, năm 1900 chúng ta là thuộc địa của Pháp. Cách mạng và kháng chiến thắng lợi, đất nước ta được độc lập, thống nhất. Chúng ta chuyển từ chế độ phong kiến cha truyền con nối sang chế độ Xã hội Chủ nghĩa do dân làm chủ.
Về văn chương, Phong trào Thơ mới, rồi Tự lực Văn đoàn, cùng rất nhiều tờ báo, tiểu thuyết, vở kịch đã biến đổi toàn diện quan niệm của chúng ta nhìn về tình yêu, gia đình, lòng ái quốc, xã hội, cho đến những lý tưởng trừu tượng hơn về quyền con người, về bình đẳng giới, về môi trường.
Có thể hình dung, nếu người nào đó đi ngủ khoảng năm 1905 và thức giấc vào năm 2005, chắc sẽ cảm thấy mình lạc vào một nước lạ.
Âm nhạc cũng vậy. Nhạc truyền thống Việt Nam theo hai thể loại chính: dân ca gồm từ ca dao, đến vè, đến hò... hoặc âm nhạc theo ngũ cung như nhạc cung đình, tuồng, ca trù, quan họ... Sang đầu thế kỷ 20, lớp thanh niên, trong đó có Phạm Duy, học nhạc Tây phương rồi sáng tác những tác phẩm tiếng Việt nhưng theo thể điệu các bài hát Pháp. Đó là "tân nhạc", thể loại mà chúng ta vẫn dùng ngày nay.
Nền âm nhạc Việt đã có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ lừng danh để lại dấu ấn phi thường, gắn với những nhạc phẩm sống mãi. Những Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Lê Thương, Trịnh Công Sơn... sẽ trường tồn vĩnh hằng.
Nhưng với cá nhân tôi, không ai có một sự nghiệp sánh được với Phạm Duy. Ông đã học nhạc, viết nhạc, phổ nhạc suốt đời mình, và sự nghiệp sáng tác lâu hơn bất cứ ai. Và quan trọng hơn cả, ông phản ánh những thay đổi trong xã hội Việt Nam qua gần bảy thập kỷ. Ngay từ những ngày tham gia kháng chiến cho đến lúc về quê, ở trong cũng như ngoài nước, từ khi ôm chiếc ghi-ta thùng đi khắp miền đất nước cho đến khi công nghệ thông tin và internet được ông tiên phong đem vào âm nhạc. Từ lịch sử Việt, tôn giáo cho đến những bài hát cho trẻ con, thậm chí những bài ông gọi là "tục ca".


Nhạc sĩ Phạm Duy
Người đã bước lên "Điện Panthéon"
Trong phạm vi phản ánh rộng lớn như vậy - thật sự là rộng như cả xã hội Việt Nam - có lẽ Phạm Duy là người duy nhất đã thể hiện được vô vàn những vui buồn, những câu chuyện rất thật mà đến muôn về sau người ta vẫn còn hát: "Tôi yêu tiếng nước tôi..."
Tôi luôn thán phục ông về cách sử dụng ca từ trong những bài hát do chính ông sáng tác. Ngày trở về/  Anh bước lê/ Trên quãng đường đê/ Đến bên lũy tre/ Nắng vàng hoe/ Vườn rau trước hè/ Chào đón người về. Hoặc thâm trầm hơn, như "Tìm nhau, như nguyên thủy tìm ngàn thu", v.v...
Năm 1968, tôi sang Mỹ du học. Hành trang của tôi chẳng bao nhiêu, ngay cả một chiếc áo len cũng không có. Nhưng thứ quý nhất mà tôi mang theo là một cuộn băng cassette thịnh hành thời đó. Tôi đã dùng nó rất nhiều lần mỗi khi muốn giới thiệu về người Việt, văn hóa Việt, lịch sử Việt nữa trong suốt bao nhiêu năm.
Sau này khi có đĩa DVD tôi mới thay thế cuộn băng này, nhưng tôi vẫn gìn giữ nó như một kỷ vật vô giá. Nội dung cuộn băng? Trường ca Con Đường Cái Quan (CĐCQ) của Phạm Duy.
Hồi ấy, CĐCQ mới ra đời, và chỉ có Đài phát thanh Sài Gòn mới có một bản đầy đủ, với lời giới thiệu của chính nhạc sĩ. Ông anh tôi đã phải "chạy chọt" mãi mới xin được một bản ghi cho cậu em sinh viên đi du học này.
Có thể nói, CĐCQ đã an ủi tôi những lúc nhớ nhà, đã giúp tôi giữ liên hệ với đất nước khi chưa có internet, chưa có YouTube, và điện thoại vẫn còn là xa xỉ phẩm ngoài tầm với của một anh sinh viên du học vừa làm vừa học.
Bản trường ca cũng giúp tôi chia sẻ với người Mỹ về đất nước, con người và văn hóa Việt một cách hiệu quả, thú vị, và đầy nghệ thuật. Quả thực, tôi đã rất hãnh diện có trong tay CĐCQ để "đem chuông đi đánh xứ người". Và lòng tôi luôn ghi ơn Phạm Duy.
Rồi VIỆT NAM, VIỆT NAM - ca khúc kết của trường ca Mẹ Việt Nam của ông là một tuyên ngôn đầy tính nhân bản, của cộng đồng người Việt gửi ra thế giới:
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Đến cuối cuộc đời mình, ông vẫn mang tâm nguyện ca khúc này của ông được phép phổ biến. "Tôi nghĩ rằng tôi có quyền nuôi một nguyện vọng đóng góp vào sinh hoạt âm nhạc trong nước bằng một ca khúc có tính chất xưng tụng nước ta nhan đề VIỆT NAM, VIỆT NAM sáng tác từ 1960, rút trong trường ca Mẹ Việt Nam là một tổ khúc kêu gọi sự đoàn kết dân tộc dưới bóng Mẹ Tổ Quốc thiêng liêng và độ lượng"[1].
Tôi sẽ  không bàn thêm về các Đạo ca, Tâm ca, Tục ca, Thiền ca, Bé ca, Nữ ca, Vỉa hè ca... của Phạm Duy. Nhưng tôi nghĩ, trong gia tài âm nhạc đồ sộ của ông, có hai bài hát đã như hai kệ sách đóng khung cuộc đời ông.
Cả hai viết từ hai sự kiện có thật, và đều xoay quanh những người phụ nữ Việt, kể hai câu chuyện rất Việt, rất nhân bản mà tôi tin sẽ sống mãi. Đó là Bà mẹ Gio Linh, viết năm 1948, khi ông tham gia kháng chiến; và Chiếc cặp tóc thơm tho, viết năm 2005, khi ông về lại quê hương sau 30 năm di tản:
Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa gieo
Hò ơi ơi ới hò ! Hò ơi ơi ới hò !
Tay nâng nâng lên, rưng rức nước mắt đầy
Mẹ nhìn đầu con, tóc trắng phất phơ bay
Ta yêu con ta, môi thắm bết máu cờ
Nụ cười hồn nhiên, đôi mắt ngó trông ta.

(Bà mẹ Gio Linh)
Và hơn một nửa thế kỷ sau:
.........
Tôi nhìn em bé thật xinh,
Guốc mộc, áo lành không rách.
Mắt tròn, trong sáng và to,
Má em hoe và môi em đỏ (o)
Mái tóc dầy, mùi tóc thơm tho
Với chiếc cặp tóc đơn sơ.
.........
Thế rồi phà tới bến quê,
Thế rồi tôi bước lên xe,
Bé thơ chạy tuốt lên bờ,
Rút cặp tóc ra,
Rút cặp tóc ra,
"Con tặng cho ông đó!"
(Chiếc cặp tóc thơm tho)
Tôi đã đến kính viếng ông, lòng thầm tin ông đã bước lên "Điện Panthéon" Việt - nơi tôn vinh những người làm rạng danh đất nước. Ở trên đó, nay Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa đã yên nghỉ vĩnh hằng cùng bao danh nhân đất Việt, như Nguyễn Trãi, như Nguyễn Du, như Hồ Xuân Hương, Trịnh Công Sơn...
----------
[1] Nhạc sĩ Phạm Duy: Tâm nguyện cuối đời; Báo Thanh niên; 30/01/2013.
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét