QUỲNH VÂN : “Ông già chịu chơi”



“Ông già chịu chơi”


Người xưa vẫn cho rằng, dưới gốc một cây đại thụ, không bao giờ có chỗ cho một cây đại thụ khác… Nhưng điều này, xem ra không đúng với trường hợp của gia đình – cha GS Trần Văn Khê và con GS Trần Quang Hải.


GS Trần Quang Hải vẫn áo dài khăn đóng, cùng vợ lên sân khấu biểu diễn

Tự mình làm “chuột thí nghiệm”

Cái “rẽ lối” trong âm nhạc của Trần Quang Hải thật tình cờ. Lần ấy, cách đây cũng đã hơn 40 năm, ông được nghe một cuốn băng mà ở đó, một người hát bằng hai giọng. Bất ngờ và lạ lẫm, ông quyết tâm tìm hiểu và nghiên cứu, rồi đặt cho lối hát này cái tên là “Đồng song thanh”. Để chứng minh rằng, kỹ thuật hát này có tác dụng đối với việc điều trị bệnh ung thư dây thanh quản, G.S Trần Quang Hải đã từng phải vào một bệnh viện ở Pháp, đưa các thiết bị máy móc vào mũi, vào miệng để đo cơ chế hoạt động của dây thanh quản, khi hát Đồng song thanh.

Không dừng lại ở đó, ông còn yêu cầu lấy chính ông ra làm vật thí nghiệm, với việc chiếu quang tuyến X vào người trong một thời gian dài, nhằm nhận biết được hoạt động của các thớ thịt ở cổ họng khi không dùng đến dây thanh quản mà vẫn tạo được tiếng nói. Khi đó, các bác sĩ cảnh báo ông có thể bị ung thư cổ họng nếu thực hiện việc nghiên cứu này. Nhưng ông sẵn sàng ký vào cam kết. Cái sự dám làm ấy đã cho ông những luận chứng cụ thể, để rồi, tiếp nối những thành công sau này….

Kỹ thuật hát “Đồng song thanh” được ông phát triển dựa trên kỹ thuật hát của một số bộ tộc ở Mông Cổ đã cho những “trái ngọt” ngoài sức tưởng tượng giúp tạo ra những âm thanh lạ trong quá trình sáng tác nhạc đương đại. Đặc biệt, kỹ thuật này cũng cho phép các ca sĩ có được làn hơi dài và mạnh… Kỹ thuật này cho phép cùng một người có thể hát được 2 giọng với thanh trầm ở cùng một cao độ còn những bồi âm sẽ tạo tiết tấu, ca khúc. Khi hát vận nội công khiến các cơ bụng, quai hàm căng cứng rồi nuốt thanh trầm xuống, búng bồi âm thoát ra cửa miệng, phương pháp này còn giúp những người bị ung thư dây thanh quản, hoặc có vấn đề về dây thanh quản vẫn có thể giao tiếp được bình thường mà không cần phải trải qua những phẫu thuật đau đớn và tốn kém…

Hiện, lối hát “Đồng song thanh” đã trở thành một trường phái ở châu Âu, nó cũng thu hút được sự tham gia theo học của 8.000 thí sinh từ 70 quốc gia.

Đam mê chưa bao giờ thôi cuộn chảy

“Ông già chịu chơi” – đó là cái tên mà rất nhiều học sinh gọi thầy của mình – G.S Trần Quang Hải. Nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc truyền thống châu Á, rành rẽ ca trù, quan họ, cồng chiêng, nhã nhạc, hát xoan… chơi thạo những đàn tranh, đàn bầu, sáo, nhị… nhưng ông cùng rành những jazz, những rock, hip-hop… Ông bảo, mình cũng nên học, để xem cái hay, cái dở của nhạc hiện đại, để xem, lớp trẻ, chúng thích nhạc hiện đại ở điểm nào. Từ đó, mới dễ “dụ” chúng theo học về âm nhạc truyền thống. Hóa ra, cái cách ông “dụ” lớp trẻ, “dụ” học sinh của mình lại rất hiện đại.





GS Trần Quang Hải thể hiện lối hát “Đồng song thanh”


Nhiều năm sống xa Tổ quốc nhưng dường như cái chất Việt Nam trong ông vẫn nguyên vẹn. Vẫn áo dài khăn đống lên sân khấu, nhất định nói tiếng Việt Nam khi trình diễn dù ông có thể chuyển ngữ để người xem dễ hiểu hơn. Ông bảo, giữ nguyên như thế, đó mới chính là giá trị thật của di sản nhạc Việt… Gần 70 tuổi, ông cứ đi đi về về giữa Việt Nam và Pháp. Những mùa điền dã, ông lặn lội cả tháng trời trong bản người Mông, người Dao, rồi lang thang cùng các già làng nơi đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ… để hiểu được cuộc sống của họ, để hiểu rõ hơn những loại hình âm nhạc mà các dân tộc bao năm gìn giữ và đắp bồi. Nhìn cách ông thổi một điệu kèn môi của dân tộc Mông mới thấy rõ ràng, đam mê kia chưa bao giờ thôi cuộn chảy trong con người ông.

Hỏi ông rằng, âm nhạc truyền thống của Việt Nam đang đứng ở ngưỡng nào, ông thở dài bảo “Ở ngưỡng báo động”. Báo động đó là những báu vật nhân văn sống chỉ còn vài chục người chia đều cho các loại hình di sản đều đã tuổi cao, sức yếu. Báo động đó là lớp trẻ nhiều người không phân biệt được đâu là ca trù, đâu là quan họ. Báo động là khi người ta mang cả dàn âm thanh hiện đại vào định “cải biên” cho nhã nhạc… Để giữ gìn bản sắc, ông bảo không có cách nào khác là dạy lớp trẻ về âm nhạc truyền thống. Mỗi năm học một ít, kiểu “mưa dầm thấm lâu”, sau 12 năm học, lớp trẻ ít ra cũng có những kiến thức căn bản trong đầu. Ít ra cũng “xóa mù” về âm nhạc truyền thống.

Để giữ gìn bản sắc còn là việc hỗ trợ các nghệ nhân, mỗi người chỉ một triệu đồng một tháng thôi. Nhiều nhặn gì đâu, các nghệ nhân giờ tổng cộng cũng chỉ vài chục người, việc làm đó khiến họ cảm thấy được động viên, được chia sẻ và quan trọng họ không còn cảm thấy mình cô đơn trên con đường truyền dạy âm nhạc truyền thống. Cách làm này chả đáng bao nhiêu, còn rẻ hơn nhiều khi tổ chức các cuộc hội thảo tiền tỉ, mà rốt cuộc kết quả thu về lại rất khiêm tốn.

Để góp phần truyền dạy cho thế hệ trẻ, GS Trần Quang Hải đã quyết định trao tặng cho Viện Âm nhạc Việt Nam cả kho tài liệu mà ông sưu tầm mấy chục năm qua. Vì như thế có ích cho nhiều người, sẽ được nhiều người đọc hơn. Và ông bảo, đó còn là tấm lòng của người Việt xa xứ hướng về quê hương.

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét