HUYỀN NGA : XẨM TÀU ĐIỆN - XẨM BỜ HỒ


XẨM TÀU ĐIỆN - XẨM BỜ HỒ

Thứ sáu, 06/04/2012
Huyền Nga (Ảnh do nhạc sĩ Thao Giang cung cấp)
Gắn với Hà Nội ba sáu phố phường, xẩm trở thành “đặc sản”, với tên gọi cũng “độc nhất vô nhị” - xẩm tàu điện hoặc xẩm Bờ Hồ …
Hat-xamLoại  xẩm này chỉ có trên tàu điện 
Trong tâm thức người Hà Nội thế hệ trước, “tiếng leng keng chuông xe điện đổ hồi” đã trở thành một phần không thể thiếu tạo nên hồn cốt đất kinh kỳ. Và những toa tàu điện xưa cũ ấy đã trở thành không gian diễn xướng lý tưởng cho một loại hình âm nhạc đường phố “độc nhất vô nhị”. 
Tôi vẫn nhớ cái bến xe điện Bờ Hồ ồn ào nằm ngay đầu phố Đinh Tiên Hoàng, sát hồ Gươm ngày ấy. Đều đặn và kiên nhẫn, nó trở thành địa chỉ văn hóa quen thuộc của người dân nghèo thành thị. Bởi vì, trong suốt lịch sử 92 năm tồn tại (từ tháng 9/1900 đến khi bị xóa sổ hoàn toàn năm 1992), dân Hà thành chủ yếu chỉ đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng này. Và những Lỡ bước sang ngang, Vui nhất Hà thành, Mục hạ vô nhân, Anh khóa, Chân quê, Trăng sáng vườn chè, Lơ lửng con cá vàng … của những thi nhân tài danh như Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Á Nam Trần Tuấn Khải… đã theo những nghệ nhân hát xẩm đến với hàng triệu lượt thính giả - khách đi tàu.  
Trình diễn nghệ thuật hát xẩm tại khu phố cổ Hà Nội.
Họ nghe, và nhớ làu làu những câu thơ ca ngợi vẻ phồn hoa đô hội. Từ “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức ấy xa gần xem mua” đến những hình ảnh đẹp lung linh như “Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng sáng dãi lên vườn chè”. Họ cũng nằm lòng những câu hát dân dã như  “Xưa nay có thế bao giờ/ Có chiếc tàu điện đứng chờ ngã ba/ Đàn ông cho chí đàn bà/ Hễ tàu vừa đến lấy đà nhảy lên” hay “Ba xu ghế gỗ rẻ tiền/ Toa sau thì để xếp riêng gánh gồng/ Năm xu ngồi ghế đệm bông/ Hỏi mình có sướng hay không hỡi mình”…. 
Những chuyến tàu điện khoan thai đến và đi. Tàu dừng hay quay đầu, hành khách lại thấy một người khiếm thị, vai đeo nhị hấp tấp nắm lấy tay vịn bước lên. Rồi đứng, hay ngồi bệt dưới sàn tàu, tấu lên thử mấy tiếng nhị cò cưa. Và một bài hát, được phổ từ một thi phẩm súc tích và giàu tính tự sự nào đó, đa phần theo thể lục bát, bắt đầu cất lên. Lời ca ấy cứ vang lên, hòa quyện với tiếng ken két của bánh xe bằng sắt. 
Chiếc nón mê được một đứa trẻ chìa ra. Những tiền giấy, tiền xu thả vào lòng nón, sau tiếng cháu cảm ơn ông bà  nhẹ như gió thoảng. Câu hát cuối cũng thường ngân lên khi chặng hành trình đến đích. Người nghệ sĩ đường phố lại rờ rẫm bước xuống, để rồi lại tiếp tục cất tiếng hát trên một toa tàu khác, cho những hành khách khác thưởng thức. Cứ thế, giọng hát bổng trầm tha thiết cùng tiếng nhị, tiếng phách cứ đồng hành trên mọi tuyến đường. Không còn bến tàu điện Bờ Hồ, người Hà Nội thấy hụt hẫng khi không còn được nghe hát xẩm. Tàu điện không còn, như một quy luật, xẩm cũng vắng bóng. 
Hà Nội - cái nôi nuôi dưỡng xẩm tàu điện
Xẩm gồm tám thể loại đặc trưng: Xẩm chợ - Chênh bong - Riềm huê - Ba bậc nhịp bằng - Phồn huê - Hát ai -  Xẩm thập ân và Xẩm xoan. 
Với các nhà nghiên cứu, “hát xẩm là kế sinh nhai của người mù. Ban đầu hát xẩm còn sơ lược, chỉ vận làn xẩm vào đôi ba câu ca dao đơn giản. Nhưng dần do yêu cầu của người nghe, hát xẩm đã tiến tới trọn một đoạn dài đến vài chục câu, có khi hát cả một câu chuyện kéo dài một buổi” (Lịch sử âm nhạc dân gian cổ truyền - Nguyễn Viêm). Và “xẩm tập hợp dăm sáu người mù học nghề đàn hát. Cả đàn ông, đàn bà dắt nhau đến chốn thành thị, kiếm chỗ đông người, trải chiếu ngay nơi vệ đường mà hát. Người đánh trống, gõ phách, ngừoi kéo nhị, gảy đàn bầu rồi đồng thanh mà hát nghe cũng vui tai” (Việt Nam phong tục - Phan Kế Bính). 



 
Hát xẩm đầu thế kỷ 20.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, chủ nhiệm chương trình âm nhạc Hà Nội 36 phố phường, PGĐ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thì người có công đầu đưa xẩm lên không gian diễn xướng lý tưởng - tàu điện là hai nghệ nhân nổi tiếng, cụ Trùm Nguyên và cụ Thân Đức Chinh. Những giọng ca vàng được giới hát xẩm tôn phong là nghệ nhân không nhiều, tính ra chưa hết mười đầu ngón tay. Ninh Bình có cụ Chánh Trương Mậu (chồng của nghệ nhân nổi tiếng Hà Thị Cầu). Hưng Yên - Hải Dương có cụ Cả Nhớn. Thanh Hóa có cụ Minh Sen, Tô Quốc Phương….  
Giới hát xẩm có hai ngày giỗ Tổ, 22/2 hoặc 22/8 âm lịch hằng năm. Trong dịp trọng đại ấy, họ dâng hương cảm ta cụ tổ nghề Trần Quốc Đĩnh. Những cụ trùm biểu diễn những bài xẩm, làn điệu mới. Và những giọng hát trẻ cất lên cho các cụ thẩm định. Được các bậc trưởng lão trong nghề chấp thuận đồng nghĩa với được chính thức cất giọng kiếm tiền. 
Xẩm tàu điện đất Hà thành có rất nhiều nét khác biệt so với xẩm chợ, xẩm truyền thống. Nếu xẩm chợ cần khá nhiều nhạc cụ, đặc biệt luôn phải có trống thì xẩm tàu điện tối giản với nhị hồ và song loan. Nếu xẩm chợ thường dài lê thê, nghe não nùng, thảm thiết thì xẩm tàu điện ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh và cũng rộn ràng hơn. Nếu trang phục xẩm chợ là áo tơi, nón lá thì nghệ nhân xẩm tàu điện ăn vận khá cầu kỳ. Nam giới chọn quần áo nâu, rét thì khoác thêm chiếc áo veston, đầu đội mũ cát. Nữ mặc áo tối màu, yếm sang màu, váy lưng lửng nơi đầu gối.
Hơn nữa, cũng là xẩm nhưng cấu trúc âm nhạc của xẩm tàu điện hoàn toàn khác. Về cơ bản, nó chỉ có một làn điệu nhưng trong quá trình vận hành, các nghệ nhân đã kỳ công trộn lẫn và “chuyển hệ” chúng một cách rất đỗi tài tình. Theo nhạc sĩ Thao Giang, “càng đi sâu nghiên cứu, chúng tôi càng ngạc nhiên. Bởi những gì các cụ làm được, chính người được đào tạo bài bản về nhạc lý như chúng tôi lắm lúc cũng bó tay”. 
Sức quyến rũ khó cưỡng của xẩm tàu điện nằm ở chỗ chỉ có một làn điệu nhưng ai nghe cũng thích và dù thưởng thức nhiều lần vẫn không chán. Xẩm tàu điện rất hợp với cấu trúc thanh âm bằng trắc của tiếng Việt, nhất là thể thơ lục bát. Ra đất thị thành, xẩm đưa những áng thơ mượt mà, dễ cảm, dễ nhớ vào khúc hát, tạo sự ăn nhập tài tình giữa thơ ca và âm nhạc”. 
Xẩm vẫn sống khi tàu điện không còn
Tháng 4/2006, sân khấu hát xẩm chính thức ra mắt công chúng Thủ đô. Đều đặn những tối thứ bảy hằng tuần, hàng trăm khán giả, Tây ta, trẻ già được nghe lại những làn điệu tưởng đã vĩnh viễn xóa nhòa trong tiềm thức. Xẩm vẫn vẹn nguyên sức quyến rũ ma mị, dù thiếu đi tiếng leng keng tàu điện, thiếu chiếc nón lá xin tiền và thiếu đi những nghệ sĩ mù dùng xẩm làm kế mưu sinh.
Vài chục bài hát được kỳ công sưu tầm và thực sự hồi sinh qua giọng hát ngọt ngào của những nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Văn Ty, Mai Tuyết Hoa… Sáu năm qua, chiếu xẩm ấy đã nhen nhóm lại tình yêu xẩm của người Hà Nội và đưa nét văn hóa đặc sắc ấy đến với bạn bè năm châu. CD, VCD tuyển chọn các bài xẩm“đắt như tôm tươi”, in ra đến đâu bán hết tới đó nhạc sĩ Thao Giang rất vui, bởi vì có rất nhiều khán giả đã trở thành những gương mặt quen thuộc khi tối thứ bảy nào cũng tới thưởng thức. Bởi xẩm không chỉ thu hút lớp trung niên tìm về xẩm như một miền hoài niệm đẹp đẽ, xẩm còn được rất đông các bạn trẻ say mê. 
 (Nguồn: báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)


 
Hát xẩm đầu thế kỷ 20.
Theo nhạc sĩ Thao Giang, chủ nhiệm chương trình âm nhạc Hà Nội 36 phố phường, PGĐ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thì người có công đầu đưa xẩm lên không gian diễn xướng lý tưởng - tàu điện là hai nghệ nhân nổi tiếng, cụ Trùm Nguyên và cụ Thân Đức Chinh. Những giọng ca vàng được giới hát xẩm tôn phong là nghệ nhân không nhiều, tính ra chưa hết mười đầu ngón tay. Ninh Bình có cụ Chánh Trương Mậu (chồng của nghệ nhân nổi tiếng Hà Thị Cầu). Hưng Yên - Hải Dương có cụ Cả Nhớn. Thanh Hóa có cụ Minh Sen, Tô Quốc Phương….  
Giới hát xẩm có hai ngày giỗ Tổ, 22/2 hoặc 22/8 âm lịch hằng năm. Trong dịp trọng đại ấy, họ dâng hương cảm ta cụ tổ nghề Trần Quốc Đĩnh. Những cụ trùm biểu diễn những bài xẩm, làn điệu mới. Và những giọng hát trẻ cất lên cho các cụ thẩm định. Được các bậc trưởng lão trong nghề chấp thuận đồng nghĩa với được chính thức cất giọng kiếm tiền. 
Xẩm tàu điện đất Hà thành có rất nhiều nét khác biệt so với xẩm chợ, xẩm truyền thống. Nếu xẩm chợ cần khá nhiều nhạc cụ, đặc biệt luôn phải có trống thì xẩm tàu điện tối giản với nhị hồ và song loan. Nếu xẩm chợ thường dài lê thê, nghe não nùng, thảm thiết thì xẩm tàu điện ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh và cũng rộn ràng hơn. Nếu trang phục xẩm chợ là áo tơi, nón lá thì nghệ nhân xẩm tàu điện ăn vận khá cầu kỳ. Nam giới chọn quần áo nâu, rét thì khoác thêm chiếc áo veston, đầu đội mũ cát. Nữ mặc áo tối màu, yếm sang màu, váy lưng lửng nơi đầu gối.
Hơn nữa, cũng là xẩm nhưng cấu trúc âm nhạc của xẩm tàu điện hoàn toàn khác. Về cơ bản, nó chỉ có một làn điệu nhưng trong quá trình vận hành, các nghệ nhân đã kỳ công trộn lẫn và “chuyển hệ” chúng một cách rất đỗi tài tình. Theo nhạc sĩ Thao Giang, “càng đi sâu nghiên cứu, chúng tôi càng ngạc nhiên. Bởi những gì các cụ làm được, chính người được đào tạo bài bản về nhạc lý như chúng tôi lắm lúc cũng bó tay”. 
Sức quyến rũ khó cưỡng của xẩm tàu điện nằm ở chỗ chỉ có một làn điệu nhưng ai nghe cũng thích và dù thưởng thức nhiều lần vẫn không chán. Xẩm tàu điện rất hợp với cấu trúc thanh âm bằng trắc của tiếng Việt, nhất là thể thơ lục bát. Ra đất thị thành, xẩm đưa những áng thơ mượt mà, dễ cảm, dễ nhớ vào khúc hát, tạo sự ăn nhập tài tình giữa thơ ca và âm nhạc”. 
Xẩm vẫn sống khi tàu điện không còn
Tháng 4/2006, sân khấu hát xẩm chính thức ra mắt công chúng Thủ đô. Đều đặn những tối thứ bảy hằng tuần, hàng trăm khán giả, Tây ta, trẻ già được nghe lại những làn điệu tưởng đã vĩnh viễn xóa nhòa trong tiềm thức. Xẩm vẫn vẹn nguyên sức quyến rũ ma mị, dù thiếu đi tiếng leng keng tàu điện, thiếu chiếc nón lá xin tiền và thiếu đi những nghệ sĩ mù dùng xẩm làm kế mưu sinh.
Vài chục bài hát được kỳ công sưu tầm và thực sự hồi sinh qua giọng hát ngọt ngào của những nghệ sĩ nổi tiếng như Xuân Hoạch, Thanh Ngoan, Văn Ty, Mai Tuyết Hoa… Sáu năm qua, chiếu xẩm ấy đã nhen nhóm lại tình yêu xẩm của người Hà Nội và đưa nét văn hóa đặc sắc ấy đến với bạn bè năm châu. CD, VCD tuyển chọn các bài xẩm“đắt như tôm tươi”, in ra đến đâu bán hết tới đó nhạc sĩ Thao Giang rất vui, bởi vì có rất nhiều khán giả đã trở thành những gương mặt quen thuộc khi tối thứ bảy nào cũng tới thưởng thức. Bởi xẩm không chỉ thu hút lớp trung niên tìm về xẩm như một miền hoài niệm đẹp đẽ, xẩm còn được rất đông các bạn trẻ say mê. 
 (Nguồn: báo Doanh nhân Việt Nam toàn cầu)

Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét