THANH HUYỀN : Bảo tồn nghệ thuật hát then Xứ Lạng








web stats


Bảo tồn nghệ thuật hát then Xứ Lạng

Thứ Tư, 02/11/2011 - 14:30


Hiện nay, trong tâm trí của du khách đến với Lạng Sơn đều ấn tượng với những hình ảnh áo chàm, nhà sàn, các món ăn ngon như lợn quay, vịt quay, khau nhục…đã trở thành đặc sản và cả những điệu then, sli, lượn tạo nên bản sắc văn hóa cũng như “thương hiệu” rất riêng của tỉnh Lạng Sơn. Trong mạch nguồn văn hóa dân ca các dân tộc ấy, nghệ thuật hát then thực sự là một loại hình nghệ thuật, một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được đông đảo nhân dân, đặc biệt là dân tộc Tày và Nùng ở Lạng Sơn ưa thích.
CLB Dân ca Thác Mạ - Một CLB hát then "mới "



  
Theo chữ Hán, then được đọc là Thiên, nghĩa là Trời, Phật, người Tày mượn từ Then – Thiên để xưng Trời, Phật bởi theo quan niệm của họ Phật lớn là người cai quản ở cõi trời. Cho đến nay, chưa có định nghĩa rõ ràng nhưng những người yêu thích nghệ thuật then đều cho rằng Then là tiên, là con của trời, những người làm then có nhiệm vụ giữ mối liên hệ giữa người trần gian với Ngọc Hoàng và Long Vương, làm Then cũng chính là họ được Ngọc Hoàng phái xuống giúp người trần gian cầu mong được sự tốt lành, yên bình.
Theo quan niệm hiện nay, then có 2 dòng là then cổ và then mới. Để phân biệt 2 dòng then này nếu đi sâu nghiên cứu thì sẽ có rất nhiều đặc điểm để nói, song chỉ dựa theo một số đặc điểm như mục đích, cách thể hiện, lời ca, giai điệu chúng ta sẽ nhận thấy sự khác biệt rõ rệt. Trong ngôn ngữ lời ca, giai điệu có sử dụng tiếng dân tộc Kinh, đưa âm nhạc mới, hiện đại vào trong các ca khúc mang âm hưởng của then.
Hiện nay, sự mai một của nghệ thuật hát then và những nghệ nhân hát then là vấn đề thực sự đáng quan tâm, đặc biệt là của thế hệ trẻ. Do đó, năm 2010, một số người tâm đắc đã đứng ra tập hợp những người yêu thích dân ca, trong đó có hát then và thành lập ra Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn vào tháng 8/2010. Sau hơn một năm thành lập, hiện nay Hội đã có khoảng 400 hội viên và trên 30 câu lạc bộ hoạt động ở các khu dân cư. Tính đến nay, Hội đã mở được trên 15 lớp truyền dạy bộ môn nghệ thuật đàn và hát then cho các hội viên. Tại các câu lạc bộ, những hạt nhân của câu lạc bộ cũng mở được rất nhiều lớp truyền dạy cho các thành viên của câu lạc bộ mình.
Trên thực tế, trong khoảng vài năm trở lại đây, mặc dù chưa có chủ trương của Sở GD&ĐT nhưng nhiều trường nhận thức được tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật dân ca nên đã mạnh dạn đưa vào thí điểm trong một số giờ giảng của bộ môn Âm nhạc, hiệu ứng ban đầu rất tốt và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các em học sinh. Điển hình có thể kể tới một số trường như Tiểu học, THCS xã Hoàng Văn Thụ; THCS xã Thanh Long, xã Thụy Hùng; Trường Nội trú, trường Tiểu học, THCS thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng); trường Tiểu học Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn); trường Tiểu học Tri Lễ, Trường nội trú, Trường THPT Lương Văn Tri (huyện Văn Quan)…
Những phác họa cơ bản trên cho thấy, nghệ thuật hát then thực sự có giá trị trong đời sống đồng bào dân tộc Tày, Nùng của Lạng Sơn. Qua 180 năm Lạng Sơn xây dựng và phát triển, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử nhưng nghệ thuật hát then trong văn hóa của tỉnh ta vẫn được gìn giữ và phát triển như ngày hôm nay và cần được bảo tồn, lưu giữ cho các thế hệ mai sau.


                                              Thanh Huyền - Báo Lạng Sơn
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét