KỲ ANH : Di sản tâm linh Việt thành di sản nhân loại

 


Lễ rước kiệu lên Đền Hùng sáng 17.4.2013. Ảnh: Thanh Tùng

Di sản tâm linh Việt thành di sản nhân loại

(LĐ) - Số 85 - Thứ sáu 19/04/2013 06:48
Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng, hay tập tục Giỗ tổ Hùng Vương đã là một minh chứng cho tinh thần và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của nhân dân Việt Nam, minh chứng cho sự trường tồn vững mạnh của một dân tộc mà không đâu trên thế giới người dân được gọi một cách thiêng liêng bằng hai chữ “đồng bào” - cùng một bào thai do mẹ sinh ra. UNESCO chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  
Giỗ Tổ Hùng Vương - di sản tâm linh muôn đời của dân tộc Việt

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đến hôm nay, gần 90 triệu con Lạc cháu Hồng sinh sống trên khắp dải đất VN đã lập tới trên 1.400 đền thờ các Vua Hùng và các tướng lĩnh thời Hùng Vương, rồi hằng năm tổ chức lễ hội bày tỏ tấm lòng tri ân tiên tổ. Đây thực sự là một minh chứng khẳng định, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một di sản văn hóa độc đáo, di sản tâm linh, di sản tinh thần của người Việt Nam có giá trị trường tồn với thời gian. Từ ngàn đời nay, vào tháng 3 âm lịch, những người dân Việt, kẻ xa, người gần dù bận đến mấy cũng gắng thu xếp hành hương về miền đất Tổ, hoặc ngưỡng vọng về đất Tổ từ bốn phương để tưởng nhớ đến các Vua Hùng.

Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử đất Việt. Trong tâm thức của người VN, các Vua Hùng có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tình cảm của dân tộc, vừa thiêng liêng, vừa cụ thể, nhưng độc đáo, hoàn toàn khác những tín ngưỡng tôn giáo trên thế giới. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” như GS-TS Ngô Đức Thịnh – GĐ Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN - nhấn mạnh là một sự kết nối lịch sử, vượt qua những thể chế của các triều đại phong kiến, vượt qua sự khác biệt của các chế độ xã hội, kể cả sự khác biệt tôn giáo với một biểu tượng cội nguồn duy nhất, có tính bền vững bất tử, sức lan tỏa mãnh liệt như một chất keo bền chặt.

Đại diện phụ trách báo chí của UNESCO - bà Cecile Duvelle - ngay sau buổi công bố các di sản của UNESCO tối 6.12.2012 đánh giá: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam không chỉ được thực hành một cách nhuần nhuyễn, trang trọng và bền vững trong cộng đồng dân cư Việt Nam, nhất là tỉnh Phú Thọ, mà người Việt Nam còn áp dụng cả tín ngưỡng đó trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Đó là một cuộc hôn nhân tuyệt đẹp giữa những giá trị tâm linh và những giá trị khoa học”.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và ngày giỗ tổ 10.3 âm lịch hằng năm đã được chính sử minh chứng. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ lễ định ngày mùng 10.3 âm lịch hằng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn - Tuần phủ tỉnh Phú Thọ - lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày Quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ lễ ấn định ngày mùng 10.3 hằng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11.3) do dân sở tại làm lễ”. Kể từ đây, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10.3 âm lịch hằng năm được chính thức hóa bằng luật pháp.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18.2.1946, cho công chức nghỉ ngày 10.3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm Bính Tuất 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ - đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đến đền Hùng dâng lên Quốc tổ tấm bản đồ đất nước và 1 thanh gươm quý, nhằm báo cáo với tổ tiên, đất nước đã thu về một mối và thể hiện quyết tâm bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm. Từ xuân Nhâm Ngọ 2002, Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức là Quốc lễ...

Phú Thọ - đất Tổ Hùng Vương

Phú Thọ - đất Tổ - miền đất linh của người Việt kể từ ngày các Vua Hùng dựng nước, đặt tên hiệu Văn Lang - quốc gia đầu tiên của Việt Nam - với thủ đô là Phong Châu (TP.Việt Trì hôm nay). Là miền đất cổ, nên Phú Thọ ẩn chứa trong mình nhiều danh lam thắng cảnh đẹp hoang sơ như từ thuở xưa huyền hoặc trong cổ tích, thần thoại không hề bị phai dấu dù đã trải qua hàng ngàn năm. Phú Thọ chứa trong mình nhiều di tích gắn liền với lịch sử dựng nước của dân tộc Việt. Mỗi cái tên, mỗi vùng đất Phú Thọ đều có một sự tích đầy dấu ấn của người Việt cổ. Những di chỉ khảo cổ văn hóa Sơn Vi có từ 20.000 năm trước, Đồng Đậu thời trung kỳ kim khí khoảng 3.000 năm trước CN,... Nhiều đình, chùa, lăng, tẩm để lại xung quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh gắn với 18 đời Vua Hùng và các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn... Và một di sản văn hóa phi vật thể gồm nhiều tác phẩm ca dao, tục ngữ, truyện thơ, các làn điệu ca hát dân gian của các dân tộc ở đây như hát “xéc bùa”, hát “ví”, hát “đúm” của người Mường, hát “xoan”, hát “ghẹo” của người Việt, đặc biệt là “hát xoan” của Phú Thọ cũng đã được UNESCO phong tặng là “Di sản di văn hóa phi vật thể nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp” tháng 11.2011.

Theo truyền thống từ bao đời để lại và truyền tới hôm nay, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được chính thức diễn ra trong ngày 10.3 âm lịch tại đền Hùng, trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với các nghi thức “Lễ” trang trọng như rước kiệu lên đền Thượng, dâng hương các Vua Hùng, đọc bản tế cáo với trời đất tổ tiên, nghi lễ cầu phúc quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, cuộc sống hạnh phúc,... Nhưng trước đó vài ngày, phần “hội” đã diễn ra với những phong tục như đâm đuống (đánh trống đồng) của dân tộc Mường, giã gạo, các trò vui chơi dân gian, đấu vật, đánh võ, bắn cung... mang tinh thần của một quốc gia có nền văn minh lúa nước, tinh thần thượng võ của một dân tộc chưa hề khuất phục bất kỳ kẻ xâm lược hùng mạnh nào...

Từng người dân Việt đều mang trong mình dòng máu Hùng Vương, tinh thần Hùng Vương, như một di sản tinh thần, di sản của sức mạnh để vượt qua bao thử thách gian lao, luôn giữ vững cơ đồ tổ tiên gây dựng. Tự hào là những hậu duệ của các Vua Hùng, của con Hồng cháu Lạc, dòng dõi rồng tiên, càng thấm thía hơn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi thăm đền Hùng vào ngày 19.9.1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.

Trong khuôn khổ lễ hội Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2013, đã có nhiều hoạt động văn hoá, thể thao hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: KỲ ANH
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét