TRẦN LAM THỦY : VỀ TÊN GỌI HÁT GIẶM XỨ NGHỆ, VIETNAM

VỀ TÊN GỌI HÁT GIẶM XỨ NGHỆ

Thứ hai, 16/04/2012
Trần Lam Thủy
Thời gian qua, Báo CANA có đăng một số bài về đề tài hát giặm xứ Nghệ. Sau khi báo phát hành, một số bạn đọc thắc mắc từ hát "dặm" hay hát "giặm".
Để rộng đường dư luận, số báo này chúng tôi đăng bài "Về tên gọi hát giặm xứ Nghệ" của tác giả Trần Lam Thuỷ - Cán bộ Trung tâm bảo tồn phát triển di sản dân ca xứ Nghệ. Qua đây mong bạn đọc trao đổi, góp ý trong cách gọi này.
"Giặm" là tên gọi một thể hát của dân ca xứ Nghệ. Từ trước tới nay vốn tồn tại hai cách viết "giặm" và "dặm". Đây là một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều trong giới học thuật - những người thực sự quan tâm đến ngôn ngữ - văn hóa của xứ Nghệ.
Theo các nhà ngôn ngữ học, khi "dặm" với tư cách là một danh từ dùng để gọi tên sự vật, ta viết với con chữ "d", chẳng hạn như: dặm ngàn, dặm trường (dặm là độ dài chỉ quãng đường), hoặc trong từ địa phương Nghệ Tĩnh, dặm là dụng cụ bắt cá nhỏ, tép ven sông... (theo Nguyễn Nhã Bản, Từ điển tiếng địa phương Nghệ Tĩnh, 1999). Như vậy, với quan điểm coi "dặm" là danh từ gọi tên một thể hát dân ca xứ Nghệ, thì lẽ đương nhiên phải được viết là "hát dặm".
Tiết mục hát giặm tham gia hội thảo
Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ xuất phát từ đặc điểm, cấu trúc của thể hát này lại cho rằng "hát giặm" có nguồn gốc từ động từ.
Theo Từ điển tiếng Việt (tr 398), "giặm" là thêm vào chỗ còn trống, còn thiếu như giặm mạ vào ruộng; Ăn giặm thêm vào giữa buổi. Với hát giặm, có người cho rằng "giặm" là "giẫm chân" và hát giặm là lối hát có đánh nhịp bằng chân.
Lại có người cho rằng, tiếng "giặm" xuất phát từ tính phân đoạn trong một bài hát giặm, tức là trong một bài hát có nhiều đoạn nhiều khúc. Còn có người cho rằng, giặm là giắm vào, điền vào như giắm lúa, điền nan (trong một cái rổ). Ý kiến này căn cứ những câu láy lại sau những trổ hát trong một bài hát giặm.
PGS. Ninh Viết Giao cho rằng, "giặm" là tiếng vang lại của giọng nói nơi núi rừng. Nhất là khi chúng ta đi vào chỗ núi rừng có nhiều vách đá thẳng tắp cheo leo, khi nói một câu chúng ta thường nghe lại những tiếng của chính mình. Câu láy lại trong một đoạn hay một khúc có thể là tiếng vọng đó của con người thời xa xưa.
Tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ" tổ chức vào tháng 3 vừa qua ở thành phố Vinh, vấn đề tên gọi của các thể hát cũng được đặt ra trao đổi và lựa chọn. Sau khi nghe ý kiến các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hoá, Hội thảo đã thống nhất tên gọi với cách viết là "giặm" - ví, giặm xứ Nghệ.
Chúng tôi thiết nghĩ, bản thân ngôn ngữ vốn là võ đoán và mang tính quy ước, bởi vậy, nên có sự thống nhất để tiện cho việc gọi tên, bảo lưu và phát triển cho hôm nay và cả các thế hệ người Nghệ nói riêng và người Việt nói chung trong tương lai.
(Nguồn: congannghean.vn)
Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét