BẠCH VIÊN : “NÓI NHIỀU, KÊU NHIỀU, RỒI LÃNH ĐẠO BẢO BIẾT THẾ, ĐỂ CHÚNG TÔI NGHIÊN CỨU”



Ca nương Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng:

Gặp chị tại một khán phòng giản dị với “sân khấu” là một tấm phản giả cổ cùng 4 cột nhà quây quanh tạo vẻ không gian xưa. Chị vẫn vậy, hào sảng và đáo để, nhưng mỗi lần cất giọng ca trù, vẻ mặt chị lại trở về nét thanh thản lạ thường. Cũng phải, bởi với chị và những người đồng tâm, ca trù đã trở thành cái nghiệp. Có điều, bấy lâu nay, nhóm của chị hoạt động chỉ dựa trên tinh thần và sự hỗ trợ rất nhỏ về địa điểm sinh hoạt. Những bức xúc, trăn trở về sự thiếu quan tâm của giới lãnh đạo cứ thế tuôn ra trong cuộc trò chuyện cùng chị - ca nương Đỗ Quyên, chủ nhiệm CLB Ca trù Hải Phòng.   
Thưa chị, địa điểm sinh hoạt hiện nay có ổn định không ạ?
Mấy năm nay, đình Hàng Kênh là nơi hoạt động ổn định của chúng tôi. May mà địa điểm này hoàn toàn được sự hỗ trợ của Bảo tàng Hải Phòng nên không phải thuê mướn gì, chỉ phải trả tiền điện nước sử dụng. Cũng vì thế, lịch hoạt động 1 tuần/lần tại đây rất ổn định.
Vậy, ngoài lịch sinh hoạt 1 tuần/lần, các đào kép có tập luyện với nhau không?
Đúng là điều kiện tập ở câu lạc bộ rất ít, nhưng chúng tôi vẫn phải dành thời gian để luyện tập riêng mới đảm bảo được chất lượng nghệ thuật ca trù của nhóm. Hiện hội viên câu lạc bộ có khoảng 20 người, nghệ nhân già nhất tới 90 tuổi, trẻ thì mới 11,12 tuổi. Tuy nhiên, các cụ thì yếu, còn các cháu thì đang vào năm học nên không có điều kiện tập trung tại đây. Thường chúng tôi phải dạy riêng tại nhà cho các cháu nếu có điều kiện. Đối với những người đi làm như em Hương, em Phượng (thuộc biên chế các đoàn nghệ thuật Hải Phòng- PV) cũng phải cần đối giữa lịch biểu diễn của đoàn với câu lạc bộ. Chuyện luyện tập đôi khi không tính được thời gian. Có cháu hôm nào rảnh lại bảo “cô ơi, hôm nay con đến nhé!” – “ừ đến đi con, cô lại tranh thủ thời gian luyện cho con”. Kép đàn khi ấy cũng phải tranh thủ thời gian để luyện thêm cho các em.
Việc luyện tập và sinh hoạt ca trù có ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh của các thành viên không, thưa chị?
Với chúng tôi, đây là một sân chơi cho những người yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Muốn bảo tồn, muốn giữ gìn thì đến mà chơi, mà luyện, mà biểu diễn. Tự anh em đóng góp kinh phí hàng tháng, muốn uống nước hay ăn bánh kẹo thì cũng phải tự bỏ tiền ra. Còn để duy trì cuộc sống, người ta phải tìm đến phương cách khác. Ví dụ như ca nương Thu Hằng của chúng tôi thì kinh doanh, kép đàn Hoàng Khoa thì làm cung văn, ca nương Hải Phượng thì làm ở đoàn kịch…Mỗi người đều kiếm sống bằng nghề khác, chứ còn ở câu lạc bộ không có lương, mà cũng chẳng có ai hỗ trợ cho đồng nào. Họa chăng, nếu có chương trình biểu diễn thì anh em được vài đồng bồi dưỡng đủ để đi lại thế thôi. Hiện Ca trù Hải Phòng đang có 4 cụ nghệ nhân cao niên về ca trù, đều là những báu vật nhân văn rất quí, nghệ nhân dân gian là cụ Nguyễn Hãn, cụ Trần Trọng Quế, cụ Chín, cụ Thẩm nhưng các cụ hoàn toàn không có sự hỗ trợ tiền bạc nào. Ca trù Hải Phòng tồn tại đến lúc này là do tất cả các thành viên đều coi nghệ thuật ca trù là một niềm đam mê của từng cá nhân.
Hết lòng với ca trù như vậy, chắc các thành viên đều được gia đình ủng hộ.
Có gia đình rất thông cảm, nhưng cũng có người không thông cảm lắm đâu. Người ta phải tận nơi đến xem xem các anh chị sinh hoạt thế nào mà cứ thấy đi suốt ngày mà tiền thì không có. Vậy đến câu lạc bộ để làm gì? Xin thưa, chúng tôi đến đây để tập luyện, bảo tồn ca trù và cũng vì sự đam mê của con người với vốn cổ của cha ông.
Liệu đam mê ấy kéo dài mà không có hỗ trợ thì nó đi đến đâu?
Sự đam mê chắc cũng sẽ có giới hạn của nó, nếu như lâu dài quá mà Nhà nước không quan tâm, thì anh em cũng nản. Nản thì tất nhiên người ta phải bỏ, mai một dần. Thỉnh thoảng có người vẫn nói với tôi, “đến bây giờ mà chị vẫn theo được cơ à?”. Chắc là với tôi, nghiệp của mình trót đam mê với nó mất rồi, trót theo nó rồi thì mình phải chịu thôi, chứ cũng không được Nhà nước quan tâm. Đến trang trí khán phòng này cũng tự tiền túi cũng phải bỏ ra.
Cũng thật lạ, bởi Ca trù đã được công nhận là di sản thế giới. Theo lẽ thường, sở văn hóa địa phương cũng phải có sự quan tâm nhất định chứ ạ?
Ở Hải phòng, sự quan tâm vẫn còn xa vời lắm. Ngay cả đêm tôn vinh ca trù trên Hà Nội sau khi được công nhận là di sản phi vật thể của thế giới chúng tôi không có một nghệ nhân nào được đi dự. Lý do là vì khi văn bản đưa về câu lạc bộ thì đã quá 4 ngày. Quả thật, tôi không hiểu các vị lãnh đạo sở văn hóa Hải Phòng làm việc thế nào để đến nỗi này, buồn lắm!
Sau đó, tôi cũng là người to mồm, kêu gào mãi thì Hội Văn nghệ dân gian mới đứng ra tổ chức một buổi tôn vinh, và còn đề thêm tiêu chí “còn mãi với thời gian” để tôn vinh nghệ thuật ca trù và các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác tại đây. Lúc bấy giờ, công văn đổ từ trên xuống, thì người ta mới cấp cho mấy chục triệu, cũng chỉ để tổ chức đêm tôn vinh ấy. Nếu mình không có sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật kêu giúp, thì có lẽ ca trù Hải Phòng vẫn cứ nằm yên đấy, vẫn không ai biết đến rằng ca trù đã được UNESCO công nhận và tôn vinh. Tại Hải Phòng, tình trạng là như vậy đó!
Có phải do ca trù tại Hải Phòng được ít người biết đến không, thưa chị?
Thực ra, truyền thông tại đây cũng rất quan tâm đến ca trù. Như đài phát thanh truyền hình Hải Phòng, thỉnh thoảng cũng gọi điện cho tôi hỏi “cô ơi, dạo này có gì mới không để chúng em đến”. Rồi cũng có một vài hình ảnh quảng báo ca trù đến khán giả đấy chứ. Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động liên lạc với các vị lãnh đạo. Như lần xuống đền thờ ca công ở Đông Môn, thấy di tích này xuống cấp trầm trọng nên nhân dịp gỗ tổ ca công tại đây, chúng tôi đã tổ chức rất công phu, mời lãnh đạo các cấp về để biết được di tích đã xuống cấp thế nào mà xin hỗ trợ, giúp đỡ. Nhưng các đồng chí ấy không đến. Còn bình thường, lãnh đạo sở văn hóa Hải Phòng rất ít đến nghe ca trù. Có đúng 1 lần có vị phó giám đốc Sở đến xem, ngoài ra đến nay chưa có đồng chí nào vào cuộc với ca trù.
Liên hoan ca trù toàn quốc sắp đến, có lẽ đây cũng là cơ hội để câu lạc bộ yêu cầu sự giúp đỡ từ lãnh đạo ngành văn hóa Hải Phòng?
Không hề. Liên hoan ca trù năm nay đưa công văn về đến Sở. Sở đưa trung tâm văn hóa. Tôi hỏi đến thì giám đốc Trung tâm văn hóa thì họ bảo chúng em có quyết định đây rồi, nhưng chị tự lo mà đi. Rồi họ đưa tôi cái quyết định, còn văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào cũng không có nốt. Đấy là chuyện của năm nay. Chứ còn liên hoan lần trước còn tệ hơn. Năm 2009, đưa quân đi, sáng đi, tối khai mạc, sáng hôm sau diễn đến đúng 10 giờ họ đã bắt quân về ngay, không cho anh em ở lại để xem các đoàn khác biểu diễn thế nào và giao lưu. Hôm đó tôi ức phát khóc lên nhưng các đồng chí lãnh đạo nói rằng, chúng tôi không có kinh phí để các chị đi hết liên hoan. Kinh phí chỉ có đến đây, mời các chị về, hôm nào tổng kết thì lại mời các chị lên. Tôi buồn lắm! Nói ra thì bảo là nói xấu lãnh đạo, nói xấu các cấp, nhưng như vậy thực sự là quan tâm mà cũng không đến nơi, đến chốn.
Quả thật, tương lai ca trù còn mong manh lắm!?
Đúng vậy. Rồi cũng chìm vào dĩ vãng mất thôi. Mình nói nhiều, kêu nhiều, rồi lãnh đạo bảo biết thế, để chúng tôi nghiên cứu. Mình muốn làm đơn kêu thẳng lãnh đạo thì họ bảo “chị không được phép đưa vượt cấp, phải qua thẩm quyền cấp dưới rồi mới kêu lên trên được..”. Thế đó! Nếu có sự quan tâm thì nó đã khác hẳn. Ca trù đã là di sản của cả thế giới, Hải Phòng có nó là một niềm vinh dự. Mà trước nay, Ca trù Hải Phòng cũng có rất nhiều thành tích, nhưng nếu thiếu sự quan tâm giúp đỡ thì không thể tồn tại và phát triển được. Bởi không đi sâu vào lớp trẻ, không nuôi, không đào tạo được lớp trẻ, thì lấy ai làm lớp kế cận sau này!
Xin cám ơn chị về những chia sẻ./.



Tiết mục Múa dâng hương của CLB Ca trù Hải Phòng tại liên hoan ca trù toàn quốc 2011
Bạch Viên (thực hiện)
Bài đã đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam số cuối tuần, 16/10/2011


Share on Google Plus

About Unknown

    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Đăng nhận xét